Doanh nghiệp

Tái cấu trúc xuất khẩu mở “đường dài” cho doanh nghiệp

Hạnh Lê 05/04/2025 10:24

Đây là thời điểm Việt Nam vừa chủ động đàm phán với Mỹ để giảm thuế đối ứng vừa quyết liệt tái cấu trúc xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập những giải pháp, phương án ứng phó với chính sách thuế đối ứng vừa được Mỹ công bố.

“Chìa khoá” then chốt để tháo gỡ thách thức

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội điều Bình Phước, Tổng Giám đốc công ty CP Long Sơn chia sẻ: thị trường Mỹ có vai trò quan trọng với ngành điều. Chính sách thuế đối ứng được Mỹ công bố đã tác động đến tâm lý của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chắc chắn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế trong nước và toàn cầu đang có bất định đan xen.

DN dieu
Doanh nghiệp ngành điều mong chờ nỗ lực đàm phán, đối thoại của Chính phủ với chính quyền Mỹ để tìm được tiếng nói chung

Theo ông Vũ Thái Sơn, thời điểm này các doanh nghiệp đang trong quá trình thu mua điều thô nên có thể điều chỉnh giá mua. Đây có thể xem là điều may mắn.

Tại thị trường Mỹ, qua kinh nghiệm giao thương nhiều năm, lãnh đạo Hiệp hội điều Bình Phước nhận thấy, hạt điều được xếp vào nhóm thực phẩm thiết yếu, cùng các thực phẩm như trứng, thịt gà, thịt heo… với thuế nhập khẩu, thuế bán lẻ là 0%. Có thể xem đây là thuận lợi cho ngành điều bởi với chính sách thuế đối ứng, Tổng thống Mỹ hướng đến giảm thâm hụt thương mại nhưng tránh tác động, ảnh hưởng đến lạm phát.

Thông qua đàm phán, Mỹ cũng muốn hướng cân bằng hơn cán cân thương mại. Do vậy, các doanh nghiệp mong chờ nỗ lực đàm phán, đối thoại của Chính phủ với chính quyền Mỹ để tìm được tiếng nói chung; đồng thời hy vọng mức thuế tới đây sẽ không quá cao với ngành điều.

Giải pháp đàm phán, đối thoại được TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - trường Chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá rất quan trọng, là chìa khoá then chốt để tháo gỡ thách thức hiện nay liên quan chính sách thuế đối ứng. Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump mong muốn có những cuộc đàm phán tích cực, thiện chí, sự năng động và chủ động của các nền kinh tế cùng với Mỹ nhận diện và giải quyết các thách thức, hướng đến cải thiện tình hình.

“Tôi tin là Chính phủ, Bộ Công Thương có kịch bản, phương án đàm phán, tìm được tiếng nói chung, hài hoà lợi ích của 2 quốc gia và mang hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp” - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho hay.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Đại diện doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng: đàm phán, đối thoại là phương án cấp thiết, cùng với đó, đây là thời điểm cần quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ và lâu dài giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với môi trường thuế quan mới, chính sách mới - được xem là một phần khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới hiện nay.

ts-tuan-2-(1).jpg
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, cùng với đàm phán, đối thoại, đây là thời điểm cần quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ và lâu dài hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Trước hết, theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, cần tận dụng các cơ hội mở ra từ những FTA để đa dạng hoá thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại ở các thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đây là những vấn đề đã được đề cập nhưng nỗ lực thực tế chưa được như mong muốn. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước

Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ và tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn thông qua việc rà soát, kiểm soát và loại bỏ các chi phí doanh nghiệp đối diện, có khả năng tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, chi phí logicstic đang ở mức cao; các thủ tục hành chính rườm rà… Kiểm soát các chi phí này giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, qua đó giảm giá thành sản phẩm.

Căn cơ và lâu dài hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu để mở rộng không gian tăng trưởng xuất khẩu, . Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chuyển đổi.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, đây là thời điểm cần thực hiện nâng cấp năng lực khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp có thể thay thế thiết bị máy móc sản xuất năng suất thấp, tiêu tốn năng lượng bằng các sản phẩm công nghệ mới. Những thiết bị công nghệ này nên ưu tiên nhập từ Mỹ vừa giúp doanh nghiệp năng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh vừa góp phần cân bằng hơn cán cân thương mại.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Thái Sơn đồng quan điểm khi kiến nghị Chính phủ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất. Hiện, doanh nghiệp đang tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, quy định bất hợp lý trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đã góp phần tăng chi phí. Đơn cử, việc nhập đèn LED thôi, doanh nghiệp đã phải qua quá trình kiểm định phức tạp, khó khăn.

Hạnh Lê