“Đón sóng” cổ phiếu dầu khí
Dù cổ phiếu ngành dầu khí đã và đang tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn.

Do đó, các nhà đầu tư có thể đánh giá kỹ triển vọng của nhóm cổ phiếu này để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Tác động của giá dầu
Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 được dự báo chủ yếu đến từ các quốc gia ngoài OECD. Khu vực chính đóng góp vào tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2025 không phải đến từ Trung Quốc. Thay vào đó, Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2025 nhờ nhu cầu gia tăng đối với nhiên liệu vận tải.
Nguồn cung dầu trong năm 2025 được dự báo sẽ tăng với đóng góp chủ yếu từ các quốc gia ngoài OPEC+ như Mỹ và Brazil. Dưới nhiệm kỳ II của Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng cao sẽ tăng sản lượng khai thác dầu và khí, tạo áp lực giảm giá dầu. Trước đó, OPEC+ đã lên kế hoạch tăng sản lượng bắt đầu từ năm 2025, nhưng dưới sức ép của nhu cầu yếu và nguồn cung tăng từ ngoài khối, tổ chức này đã quyết định gia hạn cắt giảm lượng cho đến tháng 4 năm 2025.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, giá dầu thô Brent trung bình năm 2025 sẽ ở mức 70 USD/thùng. Trong năm 2025, trung bình giá dầu thô thấp hơn năm 2024 có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí nội địa ở tất cả các phân khúc của ngành dầu khí. Tuy nhiên, nhóm ngành này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong năm 2025.

Triển vọng các nhóm ngành
Đối với phân khúc hạ nguồn dầu khí, nhu cầu dầu thành phẩm yếu hơn mong đợi trong bối cảnh tăng công suất lọc dầu tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp lọc dầu.
Hiện nay, mức giá 70 USD/thùng là mức hỗ trợ cho các dự án, và nếu giá dầu thô giảm xuống dưới mức này, không loại trừ khả năng các hoạt động thăm dò và khai thác bị trì hoãn.
Đối với nhóm thượng nguồn và xây lắp hạ tầng dầu khí, nhu cầu về các mỏ dầu khí mới được dự báo sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà thầu EPCI của Việt Nam. Hầu hết các dự án thượng nguồn dầu khí trong nước gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể, mang lại khối lượng công việc đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu giá dầu thô duy trì trên mức 70 USD/thùng và các dự án thượng nguồn quốc tế được triển khai, các nhà thầu Việt Nam thậm chí có thể tham gia vào thị trường nước ngoài, tận dụng năng lực đã được chứng minh từ các dự án trước đây. Bên cạnh đó, với sự tương đồng giữa các hợp đồng EPCI dầu khí và các hợp đồng EPCI điện gió ngoài khơi, các nhà thầu này có tiềm năng tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, mang lại cơ hội dài hạn đáng kể.
Đối với nhóm khoan dầu khí, nhu cầu giàn khoan tự nâng, đặc biệt là ở Đông Nam Á, dự báo vẫn duy trì ổn định trong giai đoạn 2025-2026 nhờ đóng góp từ dự án của các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) và gia tăng các dự án thăm dò – khai thác dầu khí ngoài khơi. Trong khi đó, nguồn cung giàn khoan tự nâng tăng trưởng chậm. Do đó, kỳ vọng giá thuê giàn khoan tự nâng trong khu vực sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2025.
Đối với nhóm trung nguồn vận tải dầu khí, nhu cầu đối với tàu dầu thô được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trong thương mại đường dài từ Đại Tây Dương sang châu Á và tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu. Dự báo, giá cước thuê tàu theo thời gian đối với tàu chở dầu thô sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2025.
Cân nhắc cổ phiếu nào?
Dù còn đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng một số cổ phiếu ngành dầu khí có thể sẽ vẫn tăng trưởng nếu các điều kiện thuận lợi với ngành này tiếp tục được duy trì trong năm 2025.
Thứ nhất là cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Kỹ thuật Dầu khí. Dự báo lợi nhuận ròng của PVS trong giai đoạn 2025-2026 được kỳ vọng tăng lần lượt 38,2% và 12,2% , nhờ đẩy nhanh tiến độ dự án Lô B, Lạc Đà Vàng và công việc mới từ mảng EPCI điện gió ngoài khơi. Biên lợi nhuận dự kiến của mảng M&C trong năm 2025 là 2,2%, cao hơn so với năm 2024. Các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu này khi ở vùng giá 28.000 đồng/cp.
Thứ hai là cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí. Tốc độ mở rộng đội tàu của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ cải thiện trong giai đoạn 2025-2026 nhờ kế hoạch mở rộng linh hoạt và giá cả ổn định của tàu chở dầu, hóa chất cũng như tàu hàng rời. Nếu môi trường thuận lợi hiện tại được duy trì, đội tàu của PVT có thể mở rộng lên 72 tàu vào 2029, với đóng góp chính đến từ tàu chở dầu, hóa chất. Dự báo lợi nhuận ròng của PVT tăng lần lượt 14,3%, 49% trong giai đoạn 2024-2026. PVT đã ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tàu (153 tỷ đồng) trong năm 2024. Nếu loại trừ khoản này, tăng trưởng lợi nhuận ròng của PVT trong năm 2025 được dự báo đạt 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu PVT khi ở vùng giá 20.000 đồng/cp.
Thứ ba là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam. Sản lượng khí LNG của GAS dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm 2025, khi các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đi vào hoạt động. Sản lượng khí LNG nhập về trong năm 2026 dự kiến đạt 79,4% tổng công suất của Kho cảng LNG Thị Vải giai đoạn 1. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng của GAS trong giai đoạn 2025-2026 sẽ lần lượt là 5,7% và 7,5%. Các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu GAS khi ở vùng 66.000 đồng/cp.