Chính trị

Mỹ áp thuế 46%, Việt Nam tăng cường biện pháp thuế quan và phi thuế quan

Bảo Lam 05/04/2025 19:51

Giải pháp ứng phó từ chính sách thuế quan và phi thuế quan được triển khai qua nhiều kênh, bao gồm chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, chiều 5/4.

thu tuong 54
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp chiều 5/4. Ảnh: TTXVN

Đây là cuộc họp thứ hai của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng chủ trì, kể từ khi Mỹ tuyên bố mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, trong đó khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%. Đồng thời, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa từ Việt Nam, tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mua hàng hóa từ Hoa Kỳ theo nhu cầu, cũng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, ngay trong đêm 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Hoa Kỳ. Do đó, cần khẩn trương chuẩn bị danh sách các mặt hàng ưu tiên để đàm phán đưa thuế suất về 0%.

"Tinh thần chung là sẵn sàng đàm phán với bạn để đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ. Ta cũng đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự. Đây là thông điệp lớn nhất. Bên cạnh đó, danh sách mua hàng cũng do Chính phủ quyết định. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đồng chí Hồ Đức Phớc khi gặp gỡ, đàm phán sẽ có căn cứ rõ ràng. Đồng chí Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm quyết định trên bàn đàm phán với tinh thần 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'". – Thủ tướng nhấn mạnh.

o cong
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (ngoài cùng bên trái) tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.

Mặc dù cho rằng việc Mỹ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua; tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tăng cường nội địa hóa và khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường trong nước.

Dù đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8% vẫn giữ nguyên, không thay đổi.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phát huy tinh thần bình tĩnh, bản lĩnh; xây dựng đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm ứng phó với mọi diễn biến.

Cách tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, có tổng thể và cụ thể, cả diện rộng và có trọng điểm, cả phi thuế quan và thuế quan…; tính đến tổng thể chung quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam; sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, danh nghiệp FDI tại Việt Nam; có giải pháp đàm phán phù hợp.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Mỹ.

Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu tổng thể, chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ổn định để phát triển, phát triển để ổn định; nhân dân phải được ấm no, hạnh phúc, được tự do kinh doanh, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới là không thay đổi để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.

chu tich vcci phat bieu
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: "Là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy yêu cầu cấp thiết phải sớm chủ động thích nghi, ứng phó hiệu quả và định hình vai trò mới cho Việt Nam trong chuỗi thương mại toàn cầu".

Được biết, cuộc họp thứ nhất của Thường trực Chính phủ diễn ra sáng 3/4, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với toàn bộ đối tác thương mại của 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46% - thuộc nhóm quốc gia chịu thuế cao nhất.

Ngay sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 713 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác và chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.

Tổ công tác do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giữ vai trò Tổ phó. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các điều chỉnh chính sách từ phía Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Bảo Lam