Hải Phòng dẫn đầu về cải cách hành chính
Thành phố Hải Phòng vừa được Bộ Nội vụ công bố dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, và chỉ số cải cách hành chính năm 2024.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 diễn ra sáng 6/4, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 (PAR INDEX 2024) của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, 5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất: Hải Phòng xếp thứ nhất, tiếp đến là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Quảng Ninh...

SIPAS 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023. Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung đạt 83,84%, tăng 1,35% so với năm 2023 và mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 84,09%, tăng 1,12%. 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.
Theo kết quả báo cáo, người dân được khảo sát trong cả nước quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 77,88% - 82,6% (tăng gần 2% so với 2023). Chính sách trật tự, an toàn xã hội được quan tâm nhiều nhất và chính sách phát triển kinh tế được quan tâm ít nhất. Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Hình thức gửi phiếu xin ý kiến đến nhà, cơ quan nhận được sự ủng hộ cao nhất, nhưng cũng chỉ có 39,14% người được khảo sát sẵn sàng tham gia ý kiến qua hình thức này. Chỉ có 9,53% số người được khảo sát sẵn sàng tham gia góp ý kiến đối với chính sách theo hình thức trực tuyến.
Điều đặc biệt là mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên website thấp, chỉ 1 địa phương đạt ở mức 44,79%, còn lại 62 địa phương nằm trong khoảng 1,24% - 20%. Tương tự, mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tham gia góp ý đối với chính sách theo hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, chỉ có 2 địa phương đạt mức trên 30%, còn lại nằm trong khoảng 2,27% - 29,68%.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, hơn 90% cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 8,98% cho rằng có một số công chức gây phiền hà sách nhiễu và 0,96% cho rằng có nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.
Theo đó, PAR INDEX 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 nhóm điểm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố; nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.
Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,3% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023. Đây là lần thứ hai thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về PAR INDEX 2024 (lần gần nhất là năm 2021). Trong lịch sử 13 năm đánh giá, Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63. Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp thành phố này tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới.
.jpg)
Năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trong năm 2025, Hải Phòng tiếp tục bám sát, tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu. Trong đó, việc hoàn thành một số nhiệm vụ là điều kiện cơ bản, là nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau phát triển bứt phá, như: Thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng (trong năm 2024). Đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu công nghiệp đang vướng mắc về thủ tục, kéo dài qua nhiều năm chưa hoàn thành.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định thành lập khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng, TP Hải Phòng, với quy mô diện tích 20.000ha (trong đó khoảng 2.909ha là đất lấn biển), nằm ở địa bàn quận Đồ Sơn và các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Khu kinh tế ven biển này gồm 7 phân khu. Ngoài ra, còn có mạng lưới đường chính của khu kinh tế với tổng chiều dài 98km, đường nhánh với tổng chiều dài 34km.
Dự kiến, kinh phí để lập khu kinh tế khoảng 400.000-600.000 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn vốn khác.
Trong đó, phần vốn Bộ Giao thông vận tải để đầu tư hệ thống công trình dùng chung của cảng Nam Đồ Sơn (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất... ) khoảng 30.000 tỷ đồng.
Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng được thành lập nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển... của thành phố.
Đồng thời, xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại; là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Từ kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Hải Phòng đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Trong thời gian năm qua, Chỉ số cải cách hành chính luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Thông qua Chỉ số cải cách hành chính, có thể thấy chính quyền địa phương này đã xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tiếp theo.