Chuyên đề

Giải pháp cho sàn giao dịch tín chỉ carbon

Lê Mỹ 07/04/2025 2:10

Chính phủ yêu cầu vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6 năm nay đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029.

chung-khoan-viet3-6618.jpg
Việc “tận dụng” hệ thống trung gian sẵn có là các công ty chứng khoán để hỗ trợ giao dịch carbon được xem là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: TTX

Với xu hướng toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, việc giao dịch tín chỉ carbon ngày càng trở thành một phần quan trọng của các thị trường tài chính.

Cơ chế giao dịch

Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân và PGS, TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP HCM), sàn giao dịch tín chỉ carbon theo cơ chế chung, sẽ cho phép các doanh nghiệp mua và bán tín chỉ carbon để thực hiện cam kết giảm phát thải CO2 của mình, giúp tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường toàn cầu.

Cách thức hoạt động của sàn là tạo và bán tín chỉ carbon. Trong đó, các doanh nghiệp có thể tham gia vào việc giảm phát thải và nhận tín chỉ carbon. Những tín chỉ này có thể được bán trên sàn cho các công ty khác để bù đắp lượng phát thải CO2 của họ.

Cơ chế giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thực hiện thông qua blockchain, đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và khả năng theo dõi lượng CO2 được giảm phát. Các tín chỉ này sẽ được mã hóa thành token để giao dịch trên nền tảng.

Thông qua mô thức hoạt động như vậy, các chuyên gia cho rằng sàn giao dịch tín chỉ carbon là loại hình không thể thiếu giúp các doanh nghiệp thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Quan trọng không kém, sàn này còn giúp tạo ra thị trường mới, tăng thêm hiệu quả thu hút dòng vốn trên thị trường tài chính và mang lại thu nhập cho chính các doanh nghiệp tham gia, đồng thời cung cấp dịch vụ cho cả bên trung gian, nhà đầu tư.

Trong hệ sinh thái tài chính phát triển và có tính đặc thù cao như trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM hay trung tâm tài chính khu vực, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc bổ sung các sàn giao dịch truyền thống nhưng dựa trên nền tảng giao dịch hiện đại để hoàn thiện hệ thống tài chính quốc tế là vô cùng cần thiết.

“Trong tương lai, Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP HCM có thể mở rộng và phát triển thêm nhiều loại sàn giao dịch mới, từ các sàn giao dịch ngoại tệ, giao dịch tín chỉ carbon, đến sàn giao dịch hàng hóa và vàng. Những sáng kiến này sẽ góp phần tạo nên một hệ sinh thái tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư và doanh nghiệp”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân và PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Sẵn sàng kết nối

Tại tờ trình về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, Bộ Tài chính đề xuất các công ty chứng khoán làm trung gian hỗ trợ giao dịch. Tương tự chứng khoán, các khách hàng, nhà đầu tư sẽ đăng nhập, kết nối qua các công ty này, thay vì trực tiếp tới hệ thống giao dịch. Mô hình trung gian hỗ trợ này giúp nâng cao tính an ninh, bảo mật. Khi một trung gian gặp sự cố mạng, các trung gian khác và hệ thống giao dịch không bị ảnh hưởng.

Một yếu tố để Bộ Tài chính đề xuất nội dung này, là các công ty chứng khoán đều sẵn có hạ tầng công nghệ kết nối đến Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thuận lợi để hỗ trợ giao dịch.

Do đó, việc “tận dụng” hệ thống trung gian sẵn có là các công ty chứng khoán (CTCK) để hỗ trợ giao dịch được xem là phù hợp, trong bối cảnh chính các đơn vị này cũng đang theo dõi, chờ đợi những thay đổi mới với xu hướng thị trường tài chính sẽ ngày càng mở rộng hệ sinh thái, đa dạng các sàn giao dịch sản phẩm, hàng hóa, các loại tín chỉ bao gồm cả tín chỉ carbon hay chứng chỉ vàng… nhằm nắm bắt cơ hội tham gia.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Vietcap cho biết đối với các tài sản, hàng hóa mới trên thị trường tài chính, Vietcap sẽ luôn quan tâm và sẵn sàng phát huy vai trò của một trong những CTCK năng động, nắm bắt cơ hội để mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông và nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước mắt phải có sàn giao dịch các tài sản này, liên quan đến khung pháp lý, đến chủ trương của Nhà nước và kế hoạch xây dựng khung pháp lý để ra mắt sàn giao dịch. Khi có sàn, chúng ta mới có định hướng. CTCK có tham gia được hay không phụ thuộc vào khung pháp lý có cho tham gia hay không, theo nền tảng nào?...
Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn về cách thức giao dịch, tư cách tham gia giao dịch của các bên. Điều đó đồng nghĩa ngoài yếu tố hạ tầng và kết nối sẵn có, các CTCK sẽ phải bổ sung một đội ngũ nhân lực có chuyên môn để hỗ trợ mảng này.

Ở góc nhìn khác, đại diện một CTCK cho biết, Bộ Tài chính cũng đã nhận định rằng các hàng hóa trên thị trường carbon khá đa dạng về chủng loại và nhìn chung không được chuẩn hóa (với tín chỉ carbon). Theo đó, Bộ Tài chính dự báo số lượng các chủ thể tham gia giao dịch trong giai đoạn thí điểm có thể không lớn và thanh khoản không cao. Do đó, khả năng để CTCK tham gia làm trung gian và thậm chí đầu tư sẽ không quá khó. Điều này tương tự như việc một số CTCK hiện đã kết nối trung gian và có bộ phận phục vụ cho mảng trái phiếu với hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính khuyến nghị, nếu không có chính sách thúc đẩy và kết nối vào hệ thống mở rộng hơn nữa, nhưng lại có sự tập trung, cô đọng với nhiều ưu đãi trong một không gian đầu tư xuyên suốt, ví dụ như Trung tâm tài chính, thì sàn giao dịch tín chỉ carbon có thể sẽ khó đáp ứng kỳ vọng vượt qua các sàn giao dịch hàng hóa vẫn chưa thực sự trưởng thành. Trong khi đó, nếu bỏ lỡ đà phóng từ sàn này, chúng ta lại sẽ bỏ qua một phần cơ hội kích hoạt các dòng vốn hỗ trợ cho phát triển xanh và bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Lê Mỹ