Nhìn thẳng - Nói thật

Tự công bố sản phẩm: "Cửa ngõ" hợp pháp cho những chiếc kẹo rau củ "trá hình"?

Nguyễn Giang 07/04/2025 03:30

Vụ kẹo rau củ Kera phơi bày lỗ hổng nghiêm trọng trong chính sách cho phép doanh nghiệp tự công bố thực phẩm, nơi lợi dụng dễ hơn là tuân thủ.

Sự kiện kẹo rau củ Kera bị thu hồi và khởi tố đang gây chấn động dư luận không chỉ vì mức độ lan truyền chóng mặt của sản phẩm trên mạng xã hội, mà còn vì nó vạch trần một thực tế đang bị xem nhẹ: cơ chế "tự công bố sản phẩm”, vốn được coi là cú hích cải cách hành chính, nay lại trở thành “vùng xám” cho không ít doanh nghiệp “lách luật” và thao túng niềm tin người tiêu dùng.

tu-cong-bo-san-pham-cua-ngo-hop-phap-cho-nhung-chiec-keo-rau-cu-tra-hinh-1.png
Kẹo rau củ Kera từng bị nghi ngờ thuê gia công từ Trung Quốc. Ảnh: Internet

Khi quảng cáo vượt qua ranh giới sự thật

Chỉ trong vài tuần, kẹo rau củ Kera đã xuất hiện tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội, được quảng bá rầm rộ bởi những người có ảnh hưởng lớn như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục – những cái tên vốn gắn với hình ảnh tích cực, nhân văn. Với lời giới thiệu “giúp trẻ ăn rau như một trò chơi”, “kẹo ăn thay rau cho bé lười ăn”, sản phẩm nhanh chóng trở thành hiện tượng.

Thế nhưng, phía sau hình ảnh đẹp đẽ ấy là hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Ngày 24/3/2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt – đơn vị công bố sản phẩm đã bị xử phạt 125 triệu đồng vì vi phạm nhãn hàng hóa và nội dung tự công bố không đúng quy định. Đến ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 5 người, trong đó có hai gương mặt nổi tiếng nói trên, với cáo buộc "sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "lừa dối khách hàng".

Câu hỏi đặt ra: Tại sao một sản phẩm như vậy lại có thể dễ dàng tràn lan thị trường mà không bị kiểm tra, giám sát từ đầu? Câu trả lời nằm ở chính cơ chế pháp lý cho phép doanh nghiệp... tự công bố chất lượng sản phẩm.

tu-cong-bo-san-pham-cua-ngo-hop-phap-cho-nhung-chiec-keo-rau-cu-tra-hinh-3.png
Kẹo Kera được quảng cáo trên trang mạng xã hội của công ty. Ảnh: Internet


Tự công bố - thuận lợi hay thả nổi?

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, với các sản phẩm thực phẩm thông thường (không phải nhóm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành), doanh nghiệp được phép tự công bố mà không cần gửi hồ sơ thẩm định cho cơ quan quản lý. Đây là chính sách được ban hành với mục tiêu cắt giảm thủ tục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, một ý tưởng đúng trong một hệ thống giám sát hiệu quả.

Nhưng thực tế lại khác. Khi doanh nghiệp vừa là người sản xuất, vừa là người "kiểm duyệt" sản phẩm của chính mình, còn cơ quan nhà nước chủ yếu “ngồi chờ hậu kiểm” thì khả năng bị lợi dụng là quá dễ dàng. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong năm 2024, đã có hơn 45.000 hồ sơ tự công bố được gửi lên Cổng thông tin điện tử, nhưng chỉ chưa đến 2% trong số đó được hậu kiểm thực tế.

Nói cách khác, hơn 98% sản phẩm sau khi được “tự chứng nhận” đã ra thị trường mà không bị cơ quan nào kiểm tra trực tiếp.

Kẹo Kera là một ví dụ điển hình cho lỗ hổng này. Với giấy tờ hợp lệ và vài ba thủ tục đơn giản, sản phẩm đã được doanh nghiệp “tự cấp visa” và lập tức tung ra thị trường với hàng loạt lời quảng cáo chưa được chứng minh. Vậy trách nhiệm đang nằm ở đâu?

Hậu kiểm lỏng lẻo, chế tài thiếu sức nặng

Sau vụ việc, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã yêu cầu thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm, đồng thời xử phạt hành chính. Nhưng mức phạt 125 triệu đồng là quá nhẹ nếu so với lợi nhuận thu được từ một chiến dịch bán hàng triệu view. Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng 2 tháng, doanh số bán kẹo Kera ước đạt hơn 10 tỷ đồng, một con số không nhỏ đối với một sản phẩm “ăn liền” dạng thực phẩm bổ sung.

tu-cong-bo-san-pham-cua-ngo-hop-phap-cho-nhung-chiec-keo-rau-cu-tra-hinh-2.png
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam đối với các cá nhân trong vụ án kẹo Kera. Ảnh: Công an cung cấp

Ở đây, vấn đề không chỉ là xử phạt hành chính, mà còn là hiệu quả răn đe. Một chính sách hậu kiểm vốn đã yếu, nếu không đi kèm chế tài đủ mạnh, sẽ chẳng khác nào... bật đèn xanh cho hành vi vi phạm tiếp tục lặp lại.

Việc Bộ Công an vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can là bước đi cứng rắn cần thiết. Nhưng sau một vụ việc cụ thể, điều cần làm hơn nữa là vá lại “lỗ hổng hệ thống”, nơi hàng ngàn sản phẩm thực phẩm vẫn đang được tự công bố mỗi ngày.

Trong một thị trường lành mạnh, người tiêu dùng phải là trung tâm, và niềm tin là nền tảng. Nhưng khi doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường chỉ nhờ vài tờ giấy và lời quảng cáo cảm tính, thì người tiêu dùng đang bị đặt vào thế đánh cược với chính sức khỏe của mình.

Thẳng thắn nhìn nhận, trách nhiệm không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp, mà còn thuộc về cơ quan quản lý. Cần rà soát toàn diện cơ chế tự công bố, siết chặt hậu kiểm, tăng cường thanh tra định kỳ, đặc biệt là đối với các sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn hoặc quảng cáo rầm rộ. Bên cạnh đó, cần công khai kết quả kiểm tra để người tiêu dùng được tiếp cận thông tin minh bạch.

Suy cho cùng, cơ chế tự công bố không sai, nhưng sai ở cách chúng ta triển khai và giám sát. Nếu không có sự điều chỉnh, chính sách này sẽ trở thành “chiếc vé thông hành miễn phí” cho những sản phẩm nguy hiểm lọt lưới.

Vụ kẹo rau củ Kera chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu không hành động kịp thời, những vụ “kẹo ngọt nhưng đắng” thế này sẽ còn lặp lại, với cái giá có thể là sức khỏe của cả một thế hệ người tiêu dùng.

Nguyễn Giang