Du lịch

Tiếp thêm động lực cho du lịch đường sắt

Tuấn Vỹ 07/04/2025 08:43

Dù còn nhiều khó khăn, ngành du lịch cũng như các địa phương đang nỗ lực thúc đẩy du lịch đường sắt nhằm đa dạng hóa lượng khách, thay đổi hình thức di chuyển.

Tính chung quý I/2025, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý I/2024.

Tiếp thu kinh nghiệm để phát triển

Có thể thấy, đến nay, cơ bản Du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19. Và hơn nữa, Việt Nam cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn hơn trong thời gian tới, cụ thể về phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch mới,... đã được chú trọng nhiều hơn.

dontau (1)
Quảng Nam đón đoàn khách du lịch ở ga Trà Kiệu là một minh chứng cho thấy sự chuyển động nhanh chóng của các xu thế du lịch, đánh dấu sự khởi động của du lịch đường sắt Quảng Nam.

Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh du lịch xanh, du lịch bền vững thì “câu chuyện” mới về du lịch đường sắt đang dần nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách. Theo đó, du lịch đường sắt được đánh giá là rẻ hơn máy bay, an toàn hơn phương tiện tự lái, không phải lo tắc đường và được sống chậm ngắm cảnh sắc mỗi vùng đất qua khung cửa sổ,...

Về vấn đề này, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá du lịch đường sắt là loại hình có nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, chạy qua nhiều vùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng núi, ven biển. Ông Siêu cũng nhận định du lịch bằng đường sắt được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách.

“Vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác không chỉ đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững”, ông Siêu cho biết.

Lấy ví dụ, vị này cho hay ngành du lịch có thể học hỏi kinh nghiệm ở nhiều quốc gia về bài học phát triển thành công du lịch đường sắt như Pháp, Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu đã duy trì các tuyến đường sắt lâu đời phục vụ du lịch. Hay Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, đặc biệt đoạn qua Luang Prabang, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch tại Lào với hơn 1 triệu hành khách năm 2024, tăng 51% so với năm 2023,...

“Trong bối cảnh hiện nay, các điểm đến trong khu vực và trên thế giới đang triển khai nhiều biện pháp vừa tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến, vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch”, ông Siêu nói thêm.

Được biết, ngày 5/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Triển khai Nghị quyết trên, năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng. Năm 2025 được kỳ vọng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch sau những biến động lớn.

Các địa phương tận dụng lợi thế

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký kết biên bản hợp tác với Tổng công ty đường sắt Quảng Nam giai đoạn 2024 -2030 với các nội dung gồm Hợp tác trong công tác truyền thông, quảng bá điểm đến Quảng Nam và hình ảnh của Đường sắt Việt Nam; Hợp tác trong xúc tiến đầu tư du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt. Từ đây, sở và doanh nghiệp đã ban hành Kế hoạch liên tịch về Hợp tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Quảng Nam và Đường sắt giai đoạn 2024 -2026 nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch bằng đường sắt.

dontau (2)
Du lịch đường sắt là loại hình có nhiều tiềm năng phát triển với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, chạy qua nhiều vùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng núi, ven biển.

Từng bước góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam bằng đường sắt thông qua ga Trà Kiệu và ga Tam Kỳ; mở rộng tuyến kết nối “Chuyến tàu di sản miền Trung” giữa các điểm du lịch. Đồng thời, kết nối, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa dường sắt và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

“Việc nằm ở trung điểm cả nước và sở hữu đầy đủ hạ tầng của các loại hình giao thông, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện năng lực tự chủ đón khách, trong đó có đón khách bằng đường sắt. Ngày 12/01/2025, ngành du lịch Quảng Nam đã tổ chức đón đoàn khách hạng sang từ tàu SJourney xuống ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) để tham quan và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch xanh, đặc sắc, nổi tiếng như Phố cổ Hội An, điểm đến văn hóa Âu Lạc tại làng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn), Làng gốm Thanh Hà, làng quê Cẩm Thanh...”, ông Hồng thông tin.

Cũng theo vị này, những vị khách du lịch đầu tiên dừng chân ở ga Trà Kiệu là một minh chứng cho thấy sự chuyển động nhanh chóng của các xu thế du lịch, đây là tín hiệu vui, đánh dấu sự khởi động của du lịch đường sắt Quảng Nam trong bối cảnh ngành du lịch tỉnh và các bên liên quan đang tích cực cải thiện hạ tầng, xây dựng các chính sách để thúc đẩy du lịch đường sắt qua địa phương. Hiện tại, khách du lịch đến Quảng Nam bằng đường sắt đang tăng dần, trong đó phần lớn là khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ và đang tiếp tục chuẩn bị để đón nhiều đoàn đã đăng ký đến cuối năm.

“Thời gian đến, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống ga đường sắt gắn với các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên, nghiên cứu đầu tư 02 tuyến đường sắt đô thị kết nối vào mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố Đà Nẵng, bao gồm tuyến kết nối từ cảng hàng không quốc tế Chu Lai và tuyến kết nối từ thành phố Hội An; đồng thời khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam xây dựng thì cơ hội sẽ mở ra rất lớn đối với du lịch đường sắt, vì vậy ngành du lịch và ngành đường sắt cần tính toán sớm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch này”, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam nói thêm.

Tương tự, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định cũng nhìn nhận đường sắt không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn mang lại những trải nghiệm đặc biệt, giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của các vùng miền một cách chậm rãi, thư thái và đầy cảm xúc. Vị này cho rằng loại hình này rất phù hợp cho nhiều du khách nhất là khách quốc tế.

“Để khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương”, bà Hạnh đề xuất.

Về phía doanh nghiệp, ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng Công ty Cổ phần Đường sắt Việt Nam khẳng định tuyến đường sắt Bắc - Nam, đi qua nhiều tỉnh thành với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Xác định phục vụ khách du lịch là trọng tâm, ông Thắng cho biết Công ty đã tăng cường hợp tác liên kết với các doanh nghiệp du lịch, tổ chức các đoàn tàu charter xuyên việt, dịch vụ toa xe cộng đồng,…

“Đồng thời khuyến khích các đơn vị du lịch tự nâng cấp trang thiết bị nội thất toa xe, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng trên các tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng”, ông Thắng cho hay.

Tuấn Vỹ