Phố Wall "hoảng loạn", chờ thuế quan “hạ nhiệt”
Các nhà đầu tư phố Wall ngóng tín hiệu từ các cuộc đàm phán thuế quan với Tổng thống Donald Trump để vực dậy niềm tin trong đợt bán tháo lịch sử này.

Sau gần một tuần, thị trường vẫn chưa thoát khỏi “cú sốc” thuế quan của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 2/4. Các nhà đầu tư, thậm chí Tổng thống Trump thúc giục Cục dự trữ Liên bang (FED) yểm trợ bằng cách hạ lãi suất. Nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell nói “chưa phải lúc”.
Dow Jones ghi nhận mức giảm liên tiếp hơn 1.500 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, bao gồm cả mức giảm 2.231 điểm vào ngày 4/4. S&P 500 đã giảm 6%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. Chỉ số chuẩn này đã mất 10% trong hai ngày. Nasdaq Composite giảm 22% vào cùng thời điểm.
Chỉ số sợ hãi (VIX) của Phố Wall tăng vọt, gần chạm mức 60, gần tiệm cận với đợt lao dốc của thị trường do COVID-19 vào tháng 3/2020. Trong phát biểu mới nhất với các phóng viên vào ngày Chủ Nhật, ông trump cho biết “trừ khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc được giải quyết, nếu không sẽ không có thỏa thuận nào”.
Các nhà đầu tư phố Wall mong muốn rằng chính quyền Trump đang đàm phán thành công với các quốc gia để hạ thuế suất, hoặc ít nhất là đang cân nhắc hoãn lại bộ thuế quan đối ứng dự kiến có hiệu lực vào ngày 9/4 tới.
Một phần trong những tính toán chiến lược của Nhà Trắng đang phát huy tác dụng, hiện có 50 nền kinh tế ngỏ lời đàm phán, nhưng vẫn còn rất nhiều “ngóc ngách” gây tranh cãi, về suy thoái, lạm phát, chia rẽ.
Các nhà đầu tư ban đầu ngạc nhiên về quy mô của một số mức thuế áp dụng cho các đối tác thương mại dường như dựa trên một công thức mà không có cơ sở hợp lệ với lý thuyết kinh tế đã được thiết lập. Họ càng lo lắng hơn khi Trung Quốc quyết định trả đũa trước bằng mức thuế 34% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào thứ Sáu, thay vì đàm phán.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Washington): “công thức này nhằm vào trừng phạt các đối tác thương mại có thặng dư thương mại lớn với Mỹ”.
Theo kịch bản tốt nhất cho Hoa Kỳ, các quốc gia khác sẽ ngồi vào bàn đàm phán và hạ thuế quan, mở cửa thị trường cho hàng hóa của Hoa Kỳ và cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thị trường của họ.
Có điểm rất đáng chú ý, vào năm 2024 nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc 68% hoạt động vào chi tiêu của người tiêu dùng, thâm hụt thương mại 904 tỷ USD. Ông Trump muốn đảo ngược hai chỉ số kinh tế căn bản này: Sản xuất nhiều hơn và xuất khẩu nhiều hơn.
Quay lại lại lịch sử, các nhà kinh tế nhận thấy rằng, biểu thuế thuế này có khả năng là mức cao nhất kể từ năm 1910 - thậm chí còn cao hơn cả mức thuế Smoot-Hawley tàn khốc năm 1930 mà nhiều nhà kinh tế coi là góp phần gây ra cuộc “Đại suy thoái”.
Bên cạnh các tín hiệu thỏa thuận đến từ khắp nơi khiến ông Trump hài lòng thì các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU, Canada, Mexico tìm cách trả đũa. Và thị trường tài chính có đầy rẫy lý do để tiếp tục bị bán tháo.