Trung Quốc nghiên cứu các kế hoạch "cứu trợ" nền kinh tế
Trước làn sóng thuế quan khắc nghiệt từ Mỹ, chính phủ Trung Quốc đang gấp rút đề xuất một loạt biện pháp để bảo vệ nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước.

Dự kiến loạt kế hoạch kích thích kinh tế
Trong tuần qua, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc được cho đã dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế và thị trường trước làn sóng áp thuế dồn dập từ Mỹ
Một loạt các giải pháp đã được đưa ra, bao gồm khả năng đẩy nhanh các kế hoạch tung ra gói kích thích để thúc đẩy tiêu dùng. Những biện pháp này không phải là mới mà đã được lên kế hoạch từ trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.
Các giải pháp sắp tới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, tăng tỷ lệ sinh và trợ cấp cho một số mặt hàng xuất khẩu. Các cơ quan quản lý cũng đã thảo luận chi tiết về một quỹ bình ổn để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, quy mô và thời điểm thực hiện gói kích thích vẫn chưa được chốt và kế hoạch này vẫn có thể thay đổi.
Hôm thứ hai 7/4, một bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – viết: "Trong tương lai, các công cụ chính sách tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất có thể được triển khai bất cứ lúc nào khi cần thiết," và "nền kinh tế quy mô lớn" của Trung Quốc có thể chịu đựng được áp lực.
Tờ Nhân dân Nhật báo cho biết các chính sách hỗ trợ tiêu dùng, thị trường chứng khoán và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc tăng thuế của Mỹ sẽ được công bố trong tương lai.
Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, nhận định: "Trung Quốc phải tăng gấp đôi nhu cầu trong nước, biến tiêu dùng thành động lực và yếu tố ổn định tăng trưởng, đồng thời tận dụng quy mô thị trường rộng lớn của mình. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ để giảm thiểu các tác động tiềm tàng".
Trong khi đó, tỷ giá nhân dân tệ được duy trì ổn định tương đối. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá trung tâm ở mức 7,1980 đổi 1 USD hôm 7/4 – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024 nhưng vẫn dưới ngưỡng tâm lý 7,2.
"Mức giảm giá nhẹ như vậy ít có tác dụng bù đắp cho việc tăng thuế hiện tại," ông Ding nói thêm, đồng thời cho biết ông kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ duy trì chiến lược này cho đến khi vòng thuế quan tiếp theo được công bố.

Thương chiến có nguy cơ kéo dài
Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 34% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4 – động thái phản ứng với chính sách thuế mới từ Washington. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu bảy loại đất hiếm quan trọng và siết chặt đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt vào Mỹ.
Diễn biến thị trường ngày 7/4 phản ánh mức độ lo ngại sâu sắc của nhà đầu tư toàn cầu trước căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 10,7%, đóng cửa ở mức 20.404,62 điểm, đánh dấu mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 6,3%, với hầu hết các ngành đều chịu áp lực bán mạnh.
Cổ phiếu của các tập đoàn tài chính lớn cũng không tránh khỏi đà giảm. Tại Hồng Kông, cổ phiếu HSBC mất 13%, trong khi Standard Chartered giảm hơn 16%, hướng tới mức giảm kỷ lục trong một ngày.
Các ngân hàng như UBS và Morgan Stanley dự đoán PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới – gồm giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc – đi kèm với các gói chi tiêu tài khóa mạnh hơn.
Theo ước tính của UBS, các vòng thuế mới có thể kéo tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm, tương đương với mức ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Để bù đắp, Bắc Kinh có thể phải tăng chi tiêu ngân sách thêm từ 1 đến 1,5 điểm phần trăm GDP.
Nhưng kể cả với những biện pháp như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, thay vì trông đợi vào một vòng đàm phán hòa giải sớm.