Tạo thuận lợi cho các tổ chức khoa học, công nghệ
Góp ý cho Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, một số ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động tổ chức khoa học, công nghệ.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần có những bước đi quyết liệt để hoàn thiện hệ thống thể chế khoa học, công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo đó, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Dự thảo) được xây dựng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.

Tham gia góp ý Dự thảo, PGS, TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, hệ thống thể chế khoa học, công nghệ, đặc biệt là cơ chế tổ chức và vận hành các tổ chức khoa học, công nghệ cần được hoàn thiện. Điều này không chỉ tạo nền tảng chính trị và pháp lý vững chắc hơn cho việc thành lập, quản lý và điều hành các tổ chức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mà còn là tiền đề quan trọng giúp các tổ chức này “cởi trói”, hoạt động trong một hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy động lực phát triển và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh đó, PGS, TS Tào Thị Quyên nhấn mạnh, cần sửa đổi quy định về đăng ký hoạt động khoa học công nghệ, chỉ áp dụng cho các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các tổ chức khác như doanh nghiệp hay tổ chức giáo dục, y tế không cần đăng ký nếu đã được thành lập theo quy định chuyên ngành. Điều này giúp Nhà nước xác định chính xác các tổ chức khoa học công nghệ để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, phát triển các đơn vị nghiên cứu mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.
Các tổ chức nghiên cứu cần hoạt động phi lợi nhuận và tái đầu tư để phát triển. Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đề nghị, cần bổ sung cơ chế cho phép viên chức khoa học, công nghệ công lập thành lập doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu,tạo động lực để hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng cơ chế tự chủ phù hợp cho các tổ chức khoa học, công nghệ công lập, đảm bảo ngân sách hoạt động theo chức năng, và trao quyền tự chủ toàn diện dựa trên kết quả đánh giá theo quy định. Chính phủ cần ban hành cơ chế tự chủ toàn diện về tài chính, nhiệm vụ, bộ máy, nhân sự và hợp tác quốc tế cho các tổ chức này.

Đặc biệt, chuyên gia này đề xuất, không yêu cầu tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ hoàn trả ngân sách nếu đã sử dụng kinh phí đúng quy định và thực hiện đầy đủ nghiên cứu, dù không đạt kết quả cuối cùng, nhằm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Cùng với đó, bổ sung quy định về hoạt động khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học để tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và gắn kết với doanh nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ nghiên cứu viên sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh và học viên cao học qua học bổng và nhiệm vụ nghiên cứu từ ngân sách nhà nước.
“Việc hoàn thiện thể chế tổ chức khoa học, công nghệ cần sự quan tâm, đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ để xây dựng một thể chế phù hợp thực tiễn, khả thi. Song song với việc hoàn thiện thể chế, cần đổi mới công tác quản lý tổ chức khoa học, công nghệ theo hướng phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS, TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ trên thế giới, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế mới và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, cần phải tạo ra một khung pháp lý linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các tổ chức nghiên cứu.
“Luật nên mở rộng phạm vi các hoạt động nghiên cứu có thể nhận tài trợ, không chỉ giới hạn trong các nghiên cứu cơ bản mà còn bao gồm các nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra giá trị thực tế cho nền kinh tế. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội”, GS, TS Trần Thị Thanh Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, GS, TS Trần Thị Thanh Tú cũng đề nghị, Dự thảo cần đưa ra các chính sách đặc biệt để hỗ trợ các tổ chức khoa học, các trường đại học trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ trong tương lai.