Giảm thuế nông sản Mỹ, hạ cường độ “cơn lốc” thuế quan
Việt Nam chủ động đề xuất giảm thuế một số mặt hàng Mỹ nhằm hài hòa cán cân thương mại, giảm tác động từ thuế quan 46% của Chính quyền Trump đối với nông sản Việt.

Chỉ trong thời gian ngắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra hàng loạt chính sách thuế quan mới. Trong đó, mới đây nhất, ngày 3/4, Mỹ thông báo sẽ áp mức thuế mới 46% đối với Việt Nam trong đó có nông sản. Theo chính quyền Trump, chính sách này nhằm điều chỉnh thuế suất của Mỹ để tương xứng với mức thuế cao hơn mà các nước khác đang áp lên một số mặt hàng.
Doanh nghiệp chủ động
Mặc dù chưa công bố chi tiết mức thuế quan cho từng mặt hàng. Tuy nhiên theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thuế quan đối với nông sản nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến thị trường trái cây, rau quả và các loại hạt, vốn chiếm ít nhất một nửa lượng hàng nông sản nhập khẩu vào nước này. Đường, cà phê, ca cao và các sản phẩm nhiệt đới khác chiếm khoảng 15% lượng nhập khẩu.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 22%. Các mặt hàng kể trên hiện đang được Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng lớn. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2%, châu Mỹ tăng gần 16%, châu Âu tăng 38%, châu Phi tăng 2 lần và châu Đại Dương tăng gần 1%. Trong đó, ước giá trị xuất khẩu nông lâm của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 13,5%, Trung Quốc tăng 3,6% và Nhật Bản tăng 26%.
Như vậy, nếu bị Mỹ áp thuế, nhiều mặt hàng chủ chốt của nông sản Việt vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nói như PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, mặc dù hiện vẫn chưa biết có trường hợp ngoại lệ nào trong kế hoạch áp thuế đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu của ông Trump hay không, nhưng rõ ràng đây là mối lo đối với ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử để đưa nông sản đến với khắp thị trường toàn cầu với chi phí thấp nhất. "Nông sản Việt cần hướng đến xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tập trung cao độ đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường, nhất là trong khuôn khổ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn", ông Hiếu nói thêm.
Song song với đó, nước ta cần chủ động đàm phán với Mỹ để duy trì môi trường thương mại ổn định, giảm thiểu nguy cơ áp thuế hoặc các biện pháp kiểm soát gắt gao trong giai đoạn tới. “Đồng thời, nhà nước cần hồ trợ doanh nghiệp qua công tác điều hành tỷ giá, ưu tiên hạn mức vay vốn với lãi suất hợp lý cho nông sản xuất khẩu do giá nguyên liệu trong nước tăng cao”, chuyên gia đề xuất.
Chính phủ trợ lực
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, trước tình hình Mỹ đang điều chỉnh chính sách thuế và áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị chủ động. “Đặc biệt nông sản chúng ta có kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu tác động. Đó là một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam sẽ giảm thuế để xử lý một cách hài hòa cả hai chiều", ông Tiến cho biết thêm.
Liên quan động thái này, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng. Theo đó, mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng như gỗ, đùi gà đông lạnh, hạt dẻ cười, hạnh nhân, quả táo tươi, cherry, nho khô... Trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ sẽ đồng loạt giảm từ mức thuế nhập khẩu 20-25% xuống còn 0%, ngang bằng với thuế từ phía Mỹ. Nghị định có hiệu lực ngay trong ngày 31/3.
Trước đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng có kiến nghị nên xem xét sửa đổi mức thuế nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Mỹ để giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trả đũa từ phía Mỹ. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest nhận định: "Quyết định của Chính phủ là sự động viên rất lớn và chúng tôi rất kỳ vọng phía Mỹ sẽ xem xét một cách công bằng, minh bạch, thoả đáng để không áp thuế đối ứng với các sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nó có thể tạo ra sự cạnh tranh của sản phẩm gỗ sản xuất ở Việt Nam với sản phẩm gỗ nhập khẩu. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp chế biến phục vụ thị trường nội địa cũng phải chia sẻ và cần nâng cao năng lực cạnh tranh".
Dưới góc độ chiến lược thương mại, TS Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Việt Nam cần gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ nhằm góp phần cân bằng cán cân thương mại trong bối cảnh Mỹ đang có xu hướng siết chặt các chính sách thương mại. Trong đó, giải pháp hiệu quả để giảm áp lực từ chính quyền Mỹ là mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô và lúa mì – những sản phẩm mà Mỹ đang dư thừa nguồn cung và muốn tìm thị trường tiêu thụ.