Sau thông tin hoãn thuế từ Mỹ, kịch bản nào cho VN-Index và nhà đầu tư?
Đằng sau sự khởi sắc của thị trường chứng khoán khi đón nhận thông tin hoãn thuế từ Mỹ là những kịch bản hồi phục cần được cân nhắc kỹ lưỡng và chiến lược ứng xử hợp lý từ phía nhà đầu tư.
Thị trường tài chính toàn cầu vừa đón nhận một tín hiệu tích cực bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Động thái này lập tức tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có phiên tăng mạnh nhất trong nhiều tháng qua.

Kịch bản nào cho VN-Index?
Trước những thông tin mang tính tháo gỡ ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán đã bật tăng ngay từ phiên ATO. Nhiều cổ phiếu nhanh chóng tăng trần, dư mua lớn, trong khi bên bán hầu như không có. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 74,04 điểm, tương đương 6,77% mức tăng rất mạnh, gần đạt trần.
Theo phân tích của chuyên gia tại VNDirect, thanh khoản khớp lệnh trên thị trường chỉ đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 84,6% so với phiên trước. Lý do là phần lớn lệnh bán đã bị “quét sạch” trong phiên ATO, còn lại là giao dịch nhỏ giọt khiến thanh khoản co lại. Thống kê cho thấy, gần như toàn bộ thị trường chìm trong sắc xanh và hầu hết các nhóm ngành đều tăng hết biên độ.
Trở lại câu chuyện thuế quan, nhà đầu tư không thể bỏ qua khả năng tác động dài hạn nếu các mức thuế được thực thi đầy đủ. Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Nhựt Minh tại VNDirect đã chia sẻ mô hình định giá dựa trên P/E của VN-Index, từ đó đưa ra hai kịch bản cho thị trường.
Tại thời điểm trước sự kiện thuế quan, VN-Index ở quanh mức 1.300 điểm, với P/E trung bình khoảng 13, tương ứng mức lợi nhuận (EPS) vào khoảng 100 điểm. Trong kịch bản xấu nhất, khi các ngành xuất khẩu trọng yếu như gỗ, giày da, dệt may chịu mức thuế lên tới 46% và gần như ngừng đóng góp lợi nhuận thì thị trường có thể bị giảm lợi nhuận 25%. Khi đó, EPS còn 75 và với P/E giữ nguyên, VN-Index sẽ lùi về khoảng 975 điểm.
Tuy nhiên, đây là kịch bản khó xảy ra. Việt Nam có nền kinh tế mở, khả năng thích ứng nhanh và có thể xoay trục xuất khẩu sang thị trường EU, ASEAN. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng là yếu tố giảm thiểu rủi ro. Do đó, mức điều chỉnh hợp lý là khoảng 15%, tức VN-Index có thể giảm từ 1.300 về vùng 1.100 – 1.105 điểm, vùng cân bằng ngắn hạn hợp lý.
Sau đợt bán tháo mạnh, với hơn 200 điểm bị “thổi bay” trong vòng bốn phiên, điều chưa từng xảy ra trước đây thì thị trường rơi vào trạng thái quá bán cả về kỹ thuật lẫn định giá. Khi VN-Index chạm mốc 1.100 điểm, phản ứng hồi phục lập tức xảy ra. Phiên giao dịch ngày 10/4 đã xác nhận xu hướng đó.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối diện các vùng cung mạnh. Vùng cung đầu tiên đã bị xuyên thủng, vùng thứ hai nằm trong khoảng 1.215 – 1.225 điểm, và vùng thứ ba quanh mốc 1.300 điểm được đánh giá là vùng cung rất mạnh, khó có thể quay lại trong ngắn hạn. Khả năng VN-Index trở lại 1.300 điểm hiện chỉ được đánh giá ở mức 30%.
Vì vậy, xác suất cao nhất là VN-Index sẽ kiểm định lại vùng 1.215 – 1.230 điểm, vùng hỗ trợ cũ từng nhiều lần là điểm bật kỹ thuật trong quá khứ. Nếu không vượt qua được vùng này, thị trường sẽ có khả năng đi ngang trong biên độ 1.100 – 1.230 điểm.
Chiến lược cho nhà đầu tư
Với kịch bản dao động trong biên độ 1.100 – 1.230, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược hành động rõ ràng. Nếu thị trường tiếp cận vùng 1.215 – 1.230 mà không kèm theo thanh khoản lớn, khả năng cao sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Trong khi đó, vùng 1.100 – 1.110 điểm được xác định là vùng hỗ trợ mạnh cả về mặt tâm lý và dòng tiền. Hai lần trong năm 2025, đây đã là đáy của nhịp giảm sâu và đều có phản ứng hồi phục mạnh mẽ. Vì vậy, nếu không có thông tin xấu đột biến, vùng này sẽ tiếp tục là điểm tựa trong trung hạn.
Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ để giải ngân từng phần, ưu tiên nhóm ngành được hưởng lợi từ việc tạm hoãn thuế quan như dệt may, thủy sản, logistics. Một điểm sáng là dòng tiền đã quay trở lại các nhóm ngành này, với nhiều mã tăng trần như GIL, TCM, VSC, ANV, VHC…
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tránh mua đuổi khi cổ phiếu đã tăng trần liên tục. Thay vào đó, nên chờ cổ phiếu tích lũy lại để có điểm mua an toàn hơn. Đồng thời, cần sàng lọc cổ phiếu kỹ càng theo mức độ hưởng lợi hay bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan, vì một số ngành như bất động sản khu công nghiệp có thể chịu rủi ro nếu Trung Quốc đánh thuế các doanh nghiệp có nhà máy tại Việt Nam.
“Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo như RSI và MACD đã tạo phân kỳ dương, củng cố cho nhận định rằng nhịp hồi có thể tiếp tục. Tuy nhiên, VN-Index ở vùng 1.215 – 1.230 điểm sẽ là bài kiểm tra thực sự với sức mạnh của lực cầu. Nếu thị trường không vượt được vùng này với thanh khoản cải thiện, kịch bản đi nganh có thể là xác suất cao nhất trong vài tuần tới.
Như vậy, hành động phù hợp là chốt lời dần khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh, không vội vã giải ngân mới trong phiên tăng trần và chuẩn bị tâm lý cho biên độ dao động mới của thị trường. Chỉ khi xuất hiện thông tin đột biến tích cực, khả năng bứt phá về 1300 điểm mới có thể xảy ra”, chuyên gia tại VN-Direct khuyến nghị.
Thông tin về việc hoãn thuế từ Mỹ đã tạo ra phản ứng tích cực rõ rệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với một phiên tăng điểm mạnh và sự trở lại của dòng tiền vào các nhóm ngành xuất khẩu. Tuy nhiên, đằng sau sự khởi sắc này là những rào cản chưa được tháo gỡ triệt để.
Nhà đầu tư cần nhìn nhận rõ kịch bản thị trường đang hướng đến vùng dao động mới, với kháng cự mạnh tại 1215 – 1230 điểm và hỗ trợ vững tại 1100 – 1110 điểm. Việc quản trị rủi ro, phân bổ danh mục linh hoạt và lựa chọn cổ phiếu theo mức độ ảnh hưởng của thuế quan sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả đầu tư trong giai đoạn sắp tới.