Doanh nghiệp

Phát triển bền vững là một hành trình liên tục

Quân Bảo 11/04/2025 10:43

Phát triển bền vững không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục. Doanh nghiệp cần có sự kiên trì, từng bước thực hiện các giải pháp, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng Cộng đồng Ecotech-Techfest Việt Nam tại hội thảo “Dệt may tuần hoàn: Công nghệ & Tái chế” vừa diễn ra tại TP HCM.

img_2731.jpg
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng Cộng đồng Ecotech-Techfest Việt Nam.

Tiến sĩ Phượng cho biết, để đánh giá tính bền vững của một sản phẩm thì phải xét nguyên vẹn cả một vòng đời chứ không phải chỉ xem xét một quá trình sử dụng của người tiêu dùng. Chai nhựa có chi phí sản xuất rất thấp, có khả năng tái chế, tái sử dụng rất cao, vì thế nó có tính bền vững cao hơn rất nhiều loại vật liệu thay thế khác. Và để phát huy được tính bền vững thì cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong việc sử dụng đúng đắn sản phẩm. Đó chính là một trong các tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Phát triển bền vững và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Một trong những trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận ESG chính là bài toán chi phí. Câu hỏi "tiền đâu" luôn là rào cản ban đầu khi doanh nghiệp nghĩ đến việc thay đổi quy trình sản xuất và quản lý để hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, động lực để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình cũng rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững, thể hiện qua mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050. Điều này cho thấy sự quyết tâm của quốc gia trong việc đối diện với câu chuyện phát triển bền vững.

Việc không chú trọng đến các tiêu chí phát triển bền vững có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho doanh nghiệp, bao gồm cả việc mất đơn hàng. Bà Phượng lấy ví dụ, những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt như vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng giới hay phân biệt đối xử trong tuyển dụng cũng có thể làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Thậm chí, việc không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cũng khiến đơn hàng có nguy cơ chuyển sang các quốc gia khác như là Bangladesh.

Theo bà Phượng, nhiều doanh nghiệp có thể cảm thấy e ngại trước sự phức tạp của ESG, nhưng thực tế, ESG không phải là điều quá khó khăn nếu doanh nghiệp biết cách hệ thống hóa những gì mình đã có. Thay vì nghĩ đến những đầu tư quá lớn, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc định vị lại giá trị của mình ngay tại nhà máy, ngay tại quy trình quản lý hệ thống. Những công cụ quản lý cơ bản như 5S đã có từ lâu nhưng chưa được thực hiện một cách bài bản cũng là một điểm khởi đầu quan trọng.

Các tiêu chuẩn và chứng nhận đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường và thể hiện cam kết phát triển bền vững. Tùy thuộc vào thị trường mục tiêu và loại sản phẩm, doanh nghiệp cần xác định những tiêu chuẩn nào thực sự cần thiết và phù hợp với nhu cầu của thị trường để triển khai theo.

Trong bối cảnh phát triển bền vững, giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho xã hội ngày càng được coi trọng hơn là lợi nhuận đơn thuần. Doanh nghiệp tạo ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội và môi trường sẽ được đánh giá cao hơn những sản phẩm chỉ cạnh tranh về giá. Việc tập trung vào giá trị và giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh trung thực, chính trực mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh bền vững hơn.

img_2748.jpg
Ông Phí Anh Tuấn – Giám đốc VTIC, Đại diện Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam.

Tuy nhiên, mặc dù ESG là xu hướng tất yếu, nhưng ông Phí Anh Tuấn – Giám đốc VTIC, Đại diện Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam – có góc nhìn rằng, bởi đa phần doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nếu so với tầm cỡ thế giới thì lại càng “siêu nhỏ”. Thành thử ra ưu tiên hàng đầu vẫn là “tồn tại” trước. Khi doanh nghiệp vững mạnh, phát triển lên thì bắt đầu nghĩ tới các công cụ và giải pháp mới như ESG.

Ông Tuấn cho rằng, việc áp dụng ESG cần phải thực tế và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, tránh những đầu tư quá lớn khi doanh nghiệp chưa ổn định. Phát triển bền vững nên xuất phát từ thực tâm chứ không nên chạy theo vì thời thượng. Doanh nghiệp nên tiếp cận ESG một cách thực tế, đi từ những cái nhỏ nhất và tập trung vào hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp.

Bà Phượng cũng cho rằng, phát triển bền vững bắt đầu từ sự thay đổi trong tư duy và hành vi của mỗi cá nhân và toàn bộ doanh nghiệp. Những hành động nhỏ như tái sử dụng chai nước, tiết kiệm năng lượng cũng góp phần vào mục tiêu lớn. Doanh nghiệp cần xây dựng một đội ngũ có trách nhiệm và được đào tạo về phát triển bền vững để biến những mục tiêu trên giấy tờ thành hành động thực tế.

Phát triển bền vững không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục. Doanh nghiệp cần có sự kiên trì, từng bước thực hiện các giải pháp, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Việc thiết lập lộ trình rõ ràng và có sự đồng hành của lãnh đạo là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển bền vững trong dài hạn

Một khía cạnh quan trọng khác của phát triển bền vững là tiềm năng tiếp cận các nguồn tài chính mới. Các tổ chức và tập đoàn lớn ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp có cam kết ESG và sẵn sàng hợp tác, rót vốn đầu tư cho các đơn hàng xuất khẩu xanh, bà Phượng cũng cho biết.

Quân Bảo