Bất động sản

Bất động sản cho thuê Nghệ An: “tháo chạy” khỏi “đất vàng”?

Hồng Quang 11/04/2025 14:54

Nghệ An đang chứng kiến sự dịch chuyển đáng chú ý đến từ phân khúc bất động sản cho thuê trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Minh chứng rõ nét nhất hiện nay, đó là một lượng lớn doanh nghiệp ra thông báo dừng hoạt động cùng “làn sóng” trả lại mặt bằng kinh doanh khi khả năng sinh lời ở những khu đất “vàng” không đạt mức kỳ vọng.

bđs Ảnh 1 (1)
Để tối ưu hoá chi phí, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải trả mặt bằng ở khu vực trung tâm để tìm địa điểm mới phù hợp hơn.

Ghi nhận tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, một trong những khu vực trọng điểm về thương mại dịch vụ của TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho thấy, nhiều cửa hàng, nhà ở đang trong tình trạng cửa đóng then cài, phía bên ngoài treo biển báo sang nhượng, thanh lý hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Trong khi đó, các cửa hàng còn lại thì nằm im lìm, ít khách ra vào, số lượng mua bán nhỏ giọt.

Điểm đáng chú ý, nơi đây từng được đánh giá là mảnh đất “vàng” dùng để kinh doanh, buôn bán nhờ nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, với cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ và hiện đại. Có thời điểm, giá đất ở tuyến phố này lên đến 100 - 200 triệu đồng/m2, kéo theo loại hình văn phòng, cửa hàng cho thuê được đẩy giá lên cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của TP Vinh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh trên trục đường này trở nên trầm lắng, ế ẩm kéo dài, không còn đông đúc và sầm uất như trước đây. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê mặt bằng với mức giá hàng chục triệu đồng/tháng nay đã không còn khả năng sinh lời từ tuyến phố này, do đó đã hoàn trả lại mặt bằng để tìm địa điểm mới phù hợp hơn.

“Từ đầu năm 2025 đến nay, lượng hàng bán ra rất ít. Phần lớn khách hàng chỉ đến tham khảo mẫu mã, hỏi giá, thử đồ còn rất ít người mua. Doanh thu bị giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước, từ 50 - 60% và đây cũng là thực trạng chung của nhiều cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố này” - một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo cho biết.

bđs Ảnh 2.3
Xu hướng kinh doanh online đã khiến cho nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không còn mặn mà với bất động sản cho thuê phân khúc “đất vàng”.

Cũng theo một số tiểu thương, những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, khách hàng có xu hướng mua sắm nhiều hơn qua mạng, trên các trang mua bán trực tuyến như: Tiki, Shopee, Lazada, TikTok,… Do vậy, các cửa hàng truyền thống dần bị mất khách và trở nên ế ẩm. Chưa kể, giá mặt bằng cho thuê trong khu vực trung tâm cao hơn quá nhiều khiến doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, đòi hỏi phải tìm phương án khác phù hợp hơn.

Không chỉ riêng tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, thực trạng đáng buồn trên hiện hữu ở khắp các trục đường lớn nằm trong khu vực trung tâm TP Vinh như: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Viết Thuật, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Đại lộ Lê Nin… Vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần, nghỉ lễ nhưng có rất ít khách hàng ghé các ki ốt mua hàng hay yêu cầu dịch vụ. Số lượng xe máy, ô tô đậu trước các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thưa thớt, lác đác.

Trong một cuộc khảo sát mới đây của PV Diễn đàn Doanh nghiệp cho thấy, phân khúc căn hộ, văn phòng cho thuê ở Nghệ An cũng đang ngày càng trở nên khó tiếp cận với người dân, doanh nghiệp ở khu vực trung tâm đô thị. Giá bán cao, tiền thuê tăng, nguồn cung mất cân đối làm gia tăng gánh nặng chi phí cho nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Số liệu mà Chi cục Thống kê Nghệ An đưa ra cũng phần nào phản ánh rõ nét sức khoẻ của doanh nghiệp vẫn còn rất yếu, bất chấp những kết quả tăng trưởng khá ấn tượng trong thời gian qua. Cụ thể, toàn tỉnh có đến 835 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 111 đơn vị, tăng 46,05%, số doanh nghiệp đã giải thể là 81 doanh nghiệp, tăng 35%.

Thực trạng trên đã kéo theo “làn sóng” dịch chuyển nằm ở phân khúc bất động sản cho thuê ra xa khu vực trung tâm để tối ưu hoá chi phí. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nay không còn mặn mà tìm kiếm cho mình địa điểm thích hợp ở khu vực trung tâm thành phố khi mức giá vẫn còn khá cao so với doanh thu hiện có.

Bà Phạm Thị Thơ, Giám đốc của một công ty vừa mới giải thể trên địa bàn TP Vinh cho hay: Những năm gần đây, xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội tăng mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi đó giá thuê mặt bằng kinh doanh, nhà kho xây sẵn lại tăng cao, nguồn vốn tiếp cận hạn chế khiến cho công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

“Do nguồn vốn đã cạn kiệt, chúng tôi không thể đủ sức duy trì, chống chịu nên đành phải hoàn trả mặt bằng, ra xa khu vực trung tâm để đặt kho hàng, trụ sở kinh doanh. Đồng thời đăng ký giải thể công ty, chuyển sang hộ kinh doanh để cân đối mức lợi nhuận, thích nghi với bối cảnh khó khăn hiện nay” – bà Phạm Thị Thơ nói.

Hồng Quang