Sách Trắng EuroCham 2025: Tầm nhìn tương lai quan hệ kinh tế EU-Việt Nam
Trong Sách Trắng mới công bố, EuroCham tin tưởng Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Phát biểu tại lễ công bố Sách Trắng 2025 diễn ra ngày 11/4, các lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh rằng, chính sự ổn định, tiềm năng tăng trưởng và khả năng thích ứng nhanh của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi kép: Hiện thực hóa nền kinh tế xanh và bền vững”, Sách Trắng năm 2025 không chỉ cung cấp một bức tranh toàn diện về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, mà còn đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
EVFTA - Đòn bẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư
Một điểm sáng nổi bật trong Sách Trắng 2025 là những kết quả tích cực sau 5 năm triển khai Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 16%, đạt mức kỷ lục 68 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, EU đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,8 tỷ USD – tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp từ châu Âu cũng tăng trưởng rõ nét. Tính đến tháng 9/2024, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam, với 2.625 dự án và tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD – chiếm 6,08% tổng FDI.

Đặc biệt, tỷ lệ vốn FDI từ EU đã tăng từ mức trung bình 5% (giai đoạn 2016–2020) lên 9,2% trong năm 2023, cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Dòng vốn này trải rộng trên 18/21 lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao và năng lượng xanh.
Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn với 18/27 quốc gia thành viên EU đã thông qua. Khi hoàn tất, EVIPA sẽ củng cố khung pháp lý đầu tư minh bạch, tạo thêm lớp bảo vệ cho nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam – một yếu tố quan trọng trong bối cảnh địa chính trị và thương mại thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các "điểm nghẽn" của doanh nghiệp Châu Âu
Sách Trắng EuroCham 2025 được tổng hợp từ đóng góp của 19 Ủy ban ngành – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đa dạng từ các lĩnh vực – với trọng tâm là cải thiện khung chính sách, thu hút đầu tư chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Về kinh tế số, EuroCham đề xuất xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thân thiện với doanh nghiệp cho các lĩnh vực như an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu, đồng thời khuyến nghị hài hòa với tiêu chuẩn EU-GDPR để thúc đẩy dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và khuyến khích đầu tư công nghệ. Ngành bán dẫn cũng được đánh giá là lĩnh vực chiến lược, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong phát triển bền vững, EuroCham đề xuất cho phép khấu trừ toàn bộ lãi vay đối với các khoản vay xanh hoặc gắn với mục tiêu ESG. Bên cạnh đó, việc triển khai lộ trình công bố ESG và hệ thống phân loại xanh tương thích với chuẩn mực EU sẽ giúp Việt Nam tiếp cận hiệu quả hơn các dòng vốn quốc tế hướng đến kinh tế xanh.
Về thủ tục hải quan, Sách Trắng chỉ rõ các bất cập trong khai báo thuế và quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ EUR.1 – vốn đang cản trở tận dụng ưu đãi từ EVFTA. EuroCham khuyến nghị đẩy nhanh số hóa và cải cách thủ tục hành chính.

Chính sách thị thực và lao động cũng là mối quan tâm lớn. Dù ghi nhận nỗ lực cải thiện gần đây, EuroCham tiếp tục đề xuất đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động, đặc biệt với những vị trí yêu cầu làm việc tại nhiều địa điểm.
Ở lĩnh vực dược phẩm, Sách Trắng phản ánh tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp phép vẫn kéo dài. Dù việc nộp trực tuyến đã cải thiện quy trình, vẫn cần hướng dẫn rõ ràng để xử lý các hồ sơ giấy còn tồn đọng.
Ngành ô tô được khuyến nghị công nhận toàn diện chứng nhận UNECE cho xe từ EU, đồng thời đề xuất ưu đãi cho xe điện, xe lai sạc và phát triển hạ tầng trạm sạc – một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xe sạch tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực logistics, Sách Trắng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư hạ tầng trọng điểm và thúc đẩy hợp tác công – tư để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Rượu vang và đồ uống có cồn cũng được đề cập, với cảnh báo từ EuroCham rằng kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ngành kinh doanh hợp pháp, du lịch và các lợi ích mà EVFTA mang lại.
Tín hiệu tích cực, song vẫn còn thách thức
Mặc dù Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham đạt 61,8 điểm – mức cao nhất kể từ đầu 2022 – cho thấy niềm tin đang phục hồi, báo cáo cũng chỉ rõ những rào cản còn tồn tại: thủ tục hành chính phức tạp, khung pháp lý thiếu đồng bộ, và áp lực chuyển đổi bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Tuy vậy, triển vọng dài hạn vẫn rất tích cực: 3/4 doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, và hơn 70% có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Sách Trắng EuroCham 2025 đóng vai trò như một công cụ thiết thực để EU và Việt Nam rà soát lại các điểm nghẽn, tận dụng cơ hội và phối hợp hành động kịp thời. Bằng sự hợp tác thực chất - với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - hai bên có thể cùng hỗ trợ nhau thích ứng với biến động, giữ vững đà tăng trưởng và duy trì niềm tin trong một giai đoạn không dễ đoán định.