Cấp thiết ngăn chặn vi phạm về xuất xứ hàng hóa
Ngăn chặn vi phạm về xuất xứ hàng hóa, không chỉ góp phần giúp hàng Việt xuất khẩu thuận lợi hơn trước biến động thuế quan, mà còn giúp tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Theo đó, ngày 7/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhằm chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến việc chống hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/4 vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam qua biên giới, qua các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế.
Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam đối với các loại hàng hóa xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc từ nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Đặc biệt, tiếp tục rà soát các quy định còn sơ hở, bất cập trong việc xác định xuất xứ hàng hóa để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, trước bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM là điều cấp thiết, bởi giải pháp này không chỉ góp phần giúp hàng Việt xuất khẩu thuận lợi hơn trước biến động thuế quan, mà còn giúp tránh các biện pháp PVTM.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chứng minh được tính nguyên bản của sản phẩm và phân biệt chúng với các sản phẩm của Trung Quốc.
Ông Hùng cho rằng, điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ và các thị trường toàn cầu khác ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động trung chuyển, nơi hàng hóa được đóng gói lại hoặc dán nhãn lại tại Việt Nam để tránh thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc.
Đồng quan điểm, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa sẽ được tạo thuận lợi và hưởng ưu đãi thuế quan. Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp có hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam với mục đích được hưởng ưu đãi thuế của hàng hóa Việt Nam; trốn tránh hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật từ nước nhập khẩu.
Vì vậy, việc ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, “rửa xuất xứ”, “đột lột” hàng Việt là rất quan trọng trong lúc này. Đặc biệt,
Được biết, vừa qua Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM.
Và tại Dự thảo Nghị định này, Bộ Công Thương đã đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa lẩn tránh biện PVTM thông qua sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam; thông qua sản xuất, lắp ráp tại nước thứ ba; thông qua thay đổi không đáng kể hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM; bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước khác nhau; thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ chênh lệch mức độ áp dụng biện pháp PVTM với các quy định cụ thể.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2018/NĐ-CP nhằm quy định rõ ràng, chi tiết hơn đối với công tác điều tra áp dụng biện pháp PVTM, bảo đảm quá trình điều tra công khai, minh bạch phù hợp với cam kết quốc tế.
Đáng nói, để kịp thời hướng dẫn thực hiện Nghị định, Bộ Công Thương cũng đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM; Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp PVTM trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…