Chính sách - Quy hoạch

“Hóa giải” thuế quan cho bất động sản

Quỳnh Quỳnh 13/04/2025 14:20

Mặc dù chính quyền Trump đã tạm hoãn thuế, giảm thuế đối với Việt Nam nhưng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, nhưng không quá đáng ngại.

bds cn
Thị trường BĐS sẽ đứng trước nhiều thách thức.

Sau kiến nghị của Việt Nam và nhiều quốc gia khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thuế 90 ngày, đồng thời giảm thuế đối ứng xuống 10% đối với nhiều quốc gia không trả đũa Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn quyết định tăng thuế lên 125% đối với Trung Quốc, khiến căng thẳng thương mại giữa 2 nước tục gia tăng. Điều này cho thấy thương mại toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều thách thức

Theo VARs, là một phần của nền kinh tế, khi mức thuế đối ứng như đã công bố được áp dụng, chắc chắn thị trường BĐS sẽ đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, BĐS công nghiệp vốn được coi là “ngôi sao” hy vọng, luôn giữ vững đà tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua, là phân khúc nằm ngoài hiện trạng khó khăn chung của thị trường BĐS, sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt nhất.

Tuy nhiên, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí sẽ khởi động đàm phán về một thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thoả thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay. Đồng thời, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hoá của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại. Điều này có thể sẽ giúp hóa giải thách thức thuế quan mà Việt Nam đang đối mặt.

Nếu Mỹ và Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong đàm phán thuế quan thì Việt Nam sẽ giảm thiểu được tác động thuế quan, qua đó các nhà đầu tư sẽ tiếp tục ưu tiên chọn Việt Nam là “bến đậu” trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. Điều này có thể sẽ ít ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai, phát triển các khu công nghiệp mới, cũng như các giai đoạn tiếp theo của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Qua đó, BĐS đô thị gắn với các khu công nghiệp cũng sẽ ít chịu các hệ quả như dự kiến ban đầu.

Với BĐS thương mại văn phòng, do các doanh nghiệp FDI hiện đang “hấp thụ” một phần tương đối lớn diện tích văn phòng cho thuê (chủ yếu là hạng A). Nếu Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận tích cực trong thời gian tới, thì nhu cầu về văn phòng có thể sẽ tiếp tục tăng, chứ không giảm theo kịch bản Mỹ áp thuế 46% đối với Việt Nam. Với BĐS nhà ở hướng đến đối tượng khách hàng là các chuyên gia nước ngoài cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Với các phân khúc khác, tuy có chịu ảnh hưởng từ thách thức chung của nền kinh tế, song mức ảnh hưởng không nhiều.

Nên phản ứng như thế nào?

VARs cho rằng, Việt Nam không phải là đối tượng đặc biệt bị Tổng thống Mỹ nhắm đến với mục đích thiếu thiện chí. Tuy nhiên, mức thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam là điều mà chúng ta cần lưu ý. Rất có thể, việc áp thuế cho Việt Nam, cũng là động thái “tác động xuyên táo tới một số nền kinh tế khi có những nhà đầu tư chọn Việt Nam “làm tổ” như một cách lách mức thuế bị áp. Như vậy, vô hình chung, Việt Nam đang trong thế “kẹt giữa”.

Trước tiên, chúng ta cần “tự trấn an” rằng việc Mỹ áp mức thuế đối ứng là thách thức chung của cả thế giới, chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không bị trong thế “đơn thương, độc mã”. Thứ hai, chúng ta có niềm tin rằng Chính phủ sẽ có những quyết sách và bước đi đúng đắn, cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp cũng như bảo vệ cả nền kinh tế. Rất có thể, nếu biết “biến khó khăn thành động lực”, Việt Nam sẽ có thể xoay chuyển tình thế, “biến thách thức thành bước tiến”.

Bởi sản xuất công nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là lắp ráp, gia công, làm thuê cho nước ngoài. Chất lượng công nghệ sản xuất chủ yếu là lạc hậu. Thậm chí, công nghệ hỗ trợ cũng không phát triển vì hầu hết là nhập khẩu. Quản trị kinh tế hưởng thụ qua các khu công nghiệp thấp, chủ yếu thu được từ tiền lương thấp và thuế do ít doanh nghiệp trong nước phát triển được thông qua các khu công nghiệp. Đây sẽ là cơ hội vàng để Việt Nam: thanh lọc hoạt động đầu tư sản xuất với phương thức coi Việt Nam là một nơi chỉ để gia công, lắp ráp thành phẩm; tạo động lực khai thác thị trường mới bên cạnh thị trường Mỹ; kêu gọi đầu tư chất lượng và giá trị cao, từ ngay chính nước Mỹ, những mặt hàng mà Mỹ không khuyến khích đầu tư trong nước; nắm bắt cơ hội thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, trên cơ sở lắp ráp vào chỗ trống của các doanh nghiệp nước ngoài, khi họ rút khỏi Việt Nam nhằm nâng cao khả năng sản xuất và hiệu quả cho doanh nghiệp nội.

Để tránh gây “sốc nhiệt” tạm thời với nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cũng không nên hoang mang, lo lắng thái quá, bởi từng bước đi của Chính phủ cho thấy sự chủ động ứng biến trong mọi tình huống.

Quỳnh Quỳnh