Điểm đến

Nhật Bản hút khách du lịch bằng kiếm samurai

CÁP TẦN 13/04/2025 00:01

Seki vốn là một thành phố thủ công nghiệp truyền thống với nghề rèn ở Nhật Bản, chưa từng có tên trên bản đồ du lịch. Thế nhưng, bây giờ, du khách nước ngoài đang đổ xô đến đây.

Họ đến để được tận mắt nhìn thấy nguyên cả quá trình rèn thủ công một con dao theo đúng tiêu chuẩn rèn một cây kiếm samurai, được thử nghiệm các nghi thức sử dụng kiếm samurai và kết thúc bằng việc mua cả tá dao bếp mang “tinh thần và kỹ thuật của kiếm Nhật” ở đây đem về nhà.

Cây kiếm samurai lại trở thành một “vũ khí sắc bén” để người Nhật, lần này, chinh phục thị trường du lịch.

Từ kiếm tới dao

img-top-sword.jpg
Nhật Bản hút khách du lịch bằng kiếm samurai

Trong nền văn hóa samurai nổi tiếng của Nhật, kiếm có một vai trò rất quan trọng. Kiếm tượng trưng cho tính mạng và danh dự của một samurai. Các kiếm sĩ samurai vì thế cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng kiếm. Những đòi hỏi đó đã sản sinh ra những làng nghề rèn dao kiếm mà sự tinh tế và kỳ công đã vang danh toàn thế giới của người Nhật.

Thời thế thay đổi, đến thế kỷ 19, samurai bị cấm mang kiếm. Kéo theo đó là hàng loạt các lò rèn phải đóng cửa. Không muốn nhìn các bí quyết rèn kiếm của mình bị mai một, những làng rèn truyền thống nhạy bén đã mang kỹ thuật rèn kiếm đó áp dụng sang làm dao bếp, kéo và trở thành những trung tâm sản xuất dao kéo lớn nhất nước Nhật cho đến ngày nay.

Nói một cách khác, các làng rèn truyền thống hàng trăm năm tuổi này chính là một phần vẫn còn đang “sống” của di sản nền văn hóa samurai lừng danh. Vài năm trở lại đây, họ bắt đầu tận dụng di sản này để làm du lịch.

Bán câu chuyện

Thành phố rèn Seki nằm ở miền trung Nhật Bản, hiện là nhà sản xuất sản phẩm dao kéo lớn nhất của Nhật, đồng thời là một trong ba khu vực sản xuất dao kéo lớn nhất thế giới cùng với Sheffield ở Anh và Solingen ở Đức. Các doanh nghiệp và ủy ban Seki đang mạnh mẽ biến thành phố này thành một điểm “du lịch công nghiệp”.

Các doanh nghiệp và đơn vị ở Seki tổ chức các tour du lịch đi một vòng các xưởng rèn truyền thống 800 năm tuổi đời. Nơi vẫn đang cho ra lò những con dao bếp dùng hằng ngày, và đặc biệt, có cả kiếm samurai. Du khách được tìm hiểu quy trình mà những người thợ rèn kiếm sử dụng, thậm chí có thể tham gia các công đoạn làm kiếm thực tế, chẳng hạn như đóng búa thép nóng. Du khách được học cách thi triển iaido, một kỹ thuật rút kiếm nhanh và chính xác để hạ gục đối thủ (tất nhiên là bằng kiếm giả).

maxresdefault.jpg
Các doanh nghiệp và đơn vị ở Seki tổ chức các tour du lịch cho khách nước ngoài

Thành phố này lập ra hẳn Bảo tàng dao kiếm, Bảo tàng nghề rèn dao kiếm truyền thống. Hằng năm, họ tổ chức Lễ hội dao kéo, quy tụ đông đảo những nhà sản xuất dao, những người đam mê dao trên toàn thế giới tới để biểu diễn, thi đấu chất lượng dao.

Các doanh nghiệp dao cũng tích cực quảng bá cho du lịch. Từ giữa những năm 2010, họ đã tham gia các triển lãm và hội nghị kinh doanh ở nước ngoài để quảng bá cho quê hương. Theo kịp thời đại, các nghệ nhân làm dao có kế hoạch phát trực tuyến video hướng dẫn rèn kiếm bằng nhiều ngôn ngữ nước ngoài khác nhau để thu hút thêm nhiều du khách. Ủy ban thành phố cũng phát hành video quảng cáo trên tài khoản Instagram của mình cho người xem ở nước ngoài.

Kết quả, số lượng khách du lịch đến thăm các cơ sở liên quan đến dao kéo chính của Seki trong năm tài chính 2023 đã tăng gấp đôi so với năm trước. Trong năm tài chính 2024, con số này cho thấy mức tăng thêm từ 30% đến 40%. Năm 2024, tổng số lượt khách quốc tế lưu trú qua đêm tại tỉnh này đạt 2,3 triệu. Con số này càng ấn tượng hơn nếu biết dân số Seki chỉ chưa đầy 100.000 người.

Giống như Seki, thành phố Sakai thuộc tỉnh Osaka cũng là một làng rèn kiếm truyền thống và cũng đang thu quả ngọt từ “du lịch dao kiếm”.

Lưỡi dao Sakai được làm thủ công bởi những nghệ nhân chuyên rèn, mài và làm cán. Mỗi bước đều được thực hiện riêng biệt. Ngày nay, dao Sakai vẫn tiếp tục được chế tác bằng các kỹ thuật truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ và được các đầu bếp ở Nhật Bản sử dụng rộng rãi.

Nếu cầm lên một con dao, du khách sẽ được nhân viên ở đây giải thích hàng giờ về rất nhiều chi tiết, kể những câu chuyện xung quanh lưỡi dao. Cuối cùng, khách du lịch thường xuyên mua hàng chục con dao để mang về làm quà lưu niệm cho gia đình và bạn bè, đặc biệt là những con dao có họa tiết hình sóng trên lưỡi dao.

Theo thành phố, giá trị doanh số bán dao của bảo tàng đã tăng từ 20 triệu yên trong năm tài chính 2021 trong thời kỳ đại dịch COVID-19 lên 80 triệu yên vào năm sau và 140 triệu yên trong năm tài chính gần đây nhất.

Eric Chevallier, doanh nhân người Pháp, kinh doanh lĩnh vực dao tại Nhật đúc kết: “Du khách đến đây không phải chỉ để mua dao, họ đến để mua những câu chuyện, những huyền thoại”. Đó chính là giá trị của truyền thống mà người Nhật đã tận dụng được thành công.

CÁP TẦN