Chiến lược đón đầu cơ hội trên thị trường chứng khoán
Khả năng hồi phục ngắn hạn trên thị trường chứng khoán là hiện hữu, nhưng cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải linh hoạt, thận trọng, có chiến lược phân bổ vốn hợp lý để bảo vệ thành quả và đón đầu cơ hội.
Biến động vĩ mô toàn cầu
Tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện đang trải qua giai đoạn đầy biến động với những chuyển động phức tạp tại các nền kinh tế chủ chốt.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc trong quá trình phục hồi. Khu vực sản xuất có sự thu hẹp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tuy giảm trong tháng 3, nhưng sự sụt giảm chủ yếu do giá năng lượng điều chỉnh mạnh – một yếu tố mang tính thời điểm. Do vậy, chưa thể kết luận áp lực lạm phát Mỹ đã thực sự hạ nhiệt.
Theo nhận định của ABS Research, một điểm sáng đáng chú ý là thị trường lao động Mỹ vẫn giữ được sự ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, số lượng việc làm mới tăng mạnh và tiền lương tiếp tục tăng. Tuy nhiên, triển vọng kiểm soát lạm phát dài hạn vẫn còn nhiều nghi ngại, nhất là khi chiến tranh thương mại rất có thể làm tăng chi phí sản xuất và giá cả các mặt hàng.
Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng chưa vội giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 5 tới. ABS cho rằng Fed có thể thực hiện ba đợt giảm lãi suất trong năm nay, vào các tháng 6, 10 và 12, đồng thời giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán để duy trì thanh khoản trong hệ thống tài chính. Chính sách này có thể làm giảm áp lực lên lợi suất trái phiếu và chi phí vốn, từ đó hỗ trợ cho các thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán.
Tại châu Âu, nền kinh tế khu vực này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, khu vực sản xuất của EU và Anh tiếp tục thu hẹp, chịu sức ép từ chi phí đầu vào cao, lo ngại chiến tranh thương mại leo thang với Hoa Kỳ và áp lực tăng chi tiêu quốc phòng. Các yếu tố này cản trở triển vọng phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và gây ra những bất ổn khác.
Riêng Trung Quốc, việc bị Mỹ áp mức thuế 145% với hàng hóa xuất khẩu, trong khi Trung Quốc chỉ áp thuế 84% đối với hàng Mỹ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn kinh tế. “Chỉ cần mức thuế cuối cùng cao hơn 80% đã là rào cản rất lớn ngăn hàng hóa Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Từ đó dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục rút khỏi Trung Quốc, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế vốn đang suy yếu này”, ABS Research nhận định.
Đối với kinh tế Việt Nam, quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 6,93% – cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Kết quả ấn tượng này được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất nhập khẩu, đầu tư xã hội tăng trưởng ổn định, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tiền tệ linh hoạt, đẩy mạnh đầu tư công, phục hồi tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch.
Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn được hoãn áp thuế 90 ngày từ Mỹ để đàm phán và chỉ chịu mức thuế sàn 10% giống đa số các nước khác. Trong giai đoạn này, dự báo lượng đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng mạnh hơn bình thường do nhu cầu tích trữ hàng hóa của các nhà phân phối Mỹ chuẩn bị cho giai đoạn thuế được áp dụng.
GS.TS. Tô Trung Thành, ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: "Trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán mới, nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi chiến lược về cấu trúc nền kinh tế, cần dựa vào nguồn lực trong nước là kinh tế tư nhân, cũng như phải có các giải pháp để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần định vị, thay đổi cấu trúc sản xuất của nền kinh tế, đảm bảo có giá trị gia tăng tốt hơn, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế".
Việt Nam cũng đề ra mục tiêu tích cực phát triển, khai thác các thị trường khác. Mặc dù vậy, với sự đình trệ kinh tế tại nhiều nền kinh tế lớn, và việc hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ được bán giá rẻ tại các thị trường còn lại là vấn đề cần lưu ý đối với Việt Nam.
Chiến lược đầu tư phù hợp
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index đã có đợt giảm mạnh đầu tháng 4/2025, kéo hệ số định giá P/E của chỉ số xuống mức 10,86x tại ngày 9/4, giảm đáng kể so với mức 13,16 lần hồi đầu tháng 3. Đây là vùng thường ghi nhận sự hồi phục của thị trường trong lịch sử. Đáng chú ý, nhóm VN30 hiện đang có mức P/E chỉ 9,72 lần - thấp hơn nhiều so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, được ABS đánh giá thị trường đang ở vùng hấp dẫn.

Trong bối cảnh nhiều biến số đan xen, ABS đưa ra hai kịch bản chính cho VN-Index trong tháng 4/2025 gồm: Kịch bản 1, xác suất cao là hồi phục, thị trường giữ được các mốc hỗ trợ quan trọng tại 1.070 và 1.030 điểm. Áp lực bán tháo đã diễn ra trong tuần thứ hai của tháng 4 và có dấu hiệu dòng tiền mới âm thầm mua dần. Điều này mở ra khả năng hồi phục ngắn hạn. Tuy nhiên, ABS lưu ý đây là pha giao dịch ngược xu hướng chính, do đó nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu hợp lý, tuân thủ kỷ luật giao dịch.
Kịch bản 2 là thị trường tiếp tục giảm, nếu thông tin vĩ mô không có đột phá tích cực, tâm lý thị trường sẽ tiếp tục yếu, áp lực bán có thể kéo VN-Index về các vùng hỗ trợ sâu hơn. Tuy nhiên, đây lại có thể là cơ hội lớn cho nhà đầu tư sẵn sàng đón đầu pha hồi phục với biên độ lớn khoảng 200 điểm.
Vì vậy, với nhà đầu tư đang “kẹt hàng” từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, ABS khuyến nghị cơ cấu lại danh mục trong những nhịp hồi phục. Riêng với nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nên “lướt sóng” theo từng nhịp tăng ngắn hạn, với phương pháp mua muộn - bán sớm. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, đây là cơ hội mua gom cổ phiếu quan tâm trong giai đoạn tới, khi có tín hiệu thị trường xác nhận ở khung giao dịch tương ứng.
“Cổ phiếu nên quan tâm bao gồm các cổ phiếu đầu ngành đã được chiết khấu sâu, như hàng xuất khẩu dệt may, thủy sản, ngân hàng, chứng khoán; các ngành dự kiến hưởng lợi hoặc ít chịu ảnh hưởng bởi thương chiến như phân phối khí LNG, đầu tư công, thực phẩm, phân bón...”, chuyên gia tại ABS khuyến nghị.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDirect cũng cũng cho rằng nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu ở mức định giá hiện tại, vì rủi ro thuế quan phần lớn đã được phản ánh vào giá, mang lại cơ hội mua vào hấp dẫn.
Các yếu tố hỗ trợ quan trọng như đàm phán thuế quan thành công hoặc khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE có thể thúc đẩy việc tái định giá thị trường từ mức thấp hiện tại.
"Tận dụng mức định giá thấp hiện tại, nhà đầu tư có thể phân bổ vốn vào các ngành ít chịu tác động bởi thương mại quốc tế, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như các động lực tăng trưởng nội địa".
Có thể thấy kinh tế thế giới đang ở giao điểm của một chu kỳ điều chỉnh mạnh, trong khi Việt Nam đang nỗ lực duy trì đà phục hồi. Các yếu tố vĩ mô toàn cầu và chính sách thương mại mới của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù khả năng hồi phục ngắn hạn là hiện hữu, nhưng cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải linh hoạt, thận trọng, có chiến lược phân bổ vốn hợp lý để bảo vệ thành quả và đón đầu cơ hội.