Nhìn thẳng - Nói thật

“Tử huyệt” hậu kiểm: Kỳ 1 - Hàng “độc” len lỏi khắp thị trường

Nguyễn Giang 14/04/2025 04:00

Sữa giả, kẹo "thần kỳ" ngang nhiên tấn công vào trẻ em, người bệnh, nhóm yếu thế nhất, phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng và sự buông lỏng đáng sợ trong công tác hậu kiểm…

LTS: Khi gần 600 dòng sản phẩm sữa bột giả với vỏ hộp bắt mắt được tung ra thị trường, khi một thứ kẹo rau củ được tiếp thị, quảng bá rầm rộ với công dụng dinh dưỡng “thần kỳ” cho trẻ biếng ăn; cũng là lúc niềm tin của người tiêu dùng bị đẩy đến giới hạn.

Đằng sau những vụ việc đó là hàng trăm tỷ đồng trục lợi, là những “kẽ hở” chết người trong công tác hậu kiểm, một tuyến phòng vệ cuối cùng lẽ ra phải là “lá chắn” bảo vệ cộng đồng.

Không thể tiếp tục đổ lỗi cho thiếu nhân lực, thiếu cơ chế hay chồng chéo quản lý. Chính trong sự buông lỏng đó khiến những sản phẩm nguy hiểm đã len lỏi tới từng gia đình, tấn công trực diện vào trẻ nhỏ, người bệnh, phụ nữ mang thai… gây hậu quả nặng nề cho thị trường và lòng tin xã hội.

Loạt bài “Tử huyệt hậu kiểm” của Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ bóc tách hệ thống giám sát từ cơ sở đến trung ương, để trả lời câu hỏi: Vì sao tuyến chốt chặn cuối cùng lại trở thành “điểm mù” nguy hiểm nhất?

Những sự thật “rùng mình” vừa được bóc trần

Những ngày gần đây, hai vụ án lớn liên tiếp bị khởi tố đã làm rúng động dư luận và gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong công tác hậu kiểm.

tu-huyet-hau-kiem-ky-1-hang-doc-len-loi-khap-thi-truong-2.png
Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị lực lượng chức năng thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Cụ thể, ngày 12/4/2025, Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đường dây sản xuất sữa giả cực lớn. Hơn 570 dòng sản phẩm với những cái tên mỹ miều, quảng bá thành phần "vàng" như tổ yến, đông trùng hạ thảo… nhưng thực chất chỉ là hỗn hợp kém chất lượng, nhiều loại không đạt đến 70% hàm lượng công bố, đủ căn cứ xác định là hàng giả. Đường dây này tồn tại âm thầm suốt 4 năm, thu lợi gần 500 tỷ đồng, để lại một vết sẹo sâu hoắm trong hệ thống quản lý thị trường thực phẩm bổ sung.

Chưa đầy một tháng trước đó, dư luận chưa kịp nguôi ngoai sau “cú lừa” của kẹo rau củ Kera, một sản phẩm được ca ngợi là “giải pháp thần kỳ” cho trẻ biếng ăn, giúp "không cần ăn rau, vẫn đủ chất". Ở vụ án này cũng như sữa giả, kẹo Kera được xác định là hàng giả nhưng đã kịp lan rộng trên mạng xã hội, phủ sóng các sàn thương mại điện tử, thâm nhập tới tận tay hàng trăm nghìn người tiêu dùng, nhiều người trong số đó là phụ huynh đang tuyệt vọng tìm giải pháp cho con.

tu-huyet-hau-kiem-ky-1-hang-doc-len-loi-khap-thi-truong-1.png
Công ty chị em Rọt đã bán 135.000 sản phẩm kẹo Kera ra thị trường. Ảnh: Công ty chị em Rọt

Theo các chuyên gia, những vụ việc này không chỉ là cảnh báo về chất lượng sản phẩm, mà còn là minh chứng cho sự thiếu vắng một cơ chế giám sát chặt chẽ đối với những sản phẩm mới, đặc biệt là khi chúng lợi dụng niềm tin cộng đồng qua truyền thông và người nổi tiếng.

“Tử huyệt” từ trung ương tới địa phương

Điểm chung của các vụ việc này theo giới chuyên môn là sự thất bại trong công tác hậu kiểm, từ địa phương đến trung ương. Dù đã được cảnh báo trong nhiều năm, tình trạng trên vẫn tái diễn với mức độ ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Điều đó cho thấy, dường như tuyến phòng vệ cuối cùng là hậu kiểm đang ngày càng tê liệt.

Điển hình trong vụ sữa giả, suốt gần 4 năm, sản phẩm được bán công khai tại các cửa hàng, trên sàn thương mại điện tử, thậm chí có dấu hiệu lọt vào một số cơ sở y tế tuyến dưới. Tương tự, vụ kẹo Kera dù bị phản ánh từ cuối năm 2024 nhưng không hề có biện pháp kiểm nghiệm độc lập cho đến khi công an vào cuộc.

tu-huyet-hau-kiem-ky-1-hang-doc-len-loi-khap-thi-truong-3.png
Cận cảnh công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Công an cung cấp

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, BS Hoàng Văn Trung – Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Thái Nguyên nhận định, điểm nguy hiểm nhất là thủ đoạn đánh vào nhóm người tiêu dùng yếu thế. Đó là trẻ em, là người già, là người bệnh. “Đây là nhóm không có khả năng tự nhận diện sản phẩm giả, thường tin vào quảng cáo hoặc lời khuyên truyền miệng. Khi thực phẩm giả len vào cả phân khúc y tế dự phòng hay thực phẩm chức năng cao cấp, hậu quả sẽ là khôn lường và không thể đảo ngược”, BS Hoàng Văn Trung bày tỏ.

Hậu kiểm - một cơ chế đang “ngủ quên”?

Cũng chia sẻ với phóng viên từ góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN chỉ ra rằng, nhiều địa phương hiện chỉ kiểm tra khi có đơn thư phản ánh rõ ràng, kèm chứng cứ. Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm mới đều sử dụng chiêu bài “thử nghiệm thị trường”, “trải nghiệm miễn phí” hoặc “phi thương mại”, khiến cơ quan chức năng bị vô hiệu hóa.

“Ngay cả sản phẩm có tem truy xuất, mã QR, giấy chứng nhận hợp chuẩn… vẫn có thể bị làm giả và lọt lưới nếu không có giám sát thường xuyên, phối hợp liên ngành hiệu quả. Vấn đề không phải ở hậu kiểm – mà là ở cách chúng ta đang vận hành nó. Nếu cứ tiếp tục buông lỏng như hiện nay, hậu kiểm chỉ còn là vỏ bọc hợp thức cho sự vô trách nhiệm”, luật sư Hiệp nhấn mạnh.

Còn nữa…

Nguyễn Giang