Không gian tăng trưởng mới và cơ hội hút dòng vốn FDI
Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn FDI nhờ không gian tăng trưởng mới và các cơ hội thuận lợi.
Tiếp nối thành công trong thu hút vốn FDI năm 2024, trong quý 1 năm nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam quý 1 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 850 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 401 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị là 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, vốn thực hiện đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của ba tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Bước sang quý 2, tác động của chính sách thuế quan mới từ Mỹ, theo nhận định của các chuyên gia có thể ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, môi trường kinh doanh, triển vọng đầu tư kinh doanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư có thể quan sát tình hình, chờ đợi thêm thông tin và thận trọng hơn trong quyết định đầu tư.
Bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng ban Thống kê công nghiệp và xây dựng (Cục Thống kê) chung nhận định: thời điểm này các nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý chờ đợi những tín hiệu mới về chính sách thương mại của các quốc gia.

Theo các chuyên gia, tâm lý thận trọng này là bình thường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định. Khi các chính sách rõ ràng và ổn định, vốn FDI sẽ tiếp tục dòng chảy, nhất là với những quốc gia có lợi thế về thu hút đầu tư như Việt Nam.
Bà Phí Thị Hương Nga cho biết thêm, chính sách thuế quan mới tác động đến các quốc gia trên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế nhất định trong thu hút đầu tư như chất lượng nguồn nhân lực đang được nâng cao, các cải cách bộ máy hành chính gắn liền với việc thực hiện nhiều mục tiêu cụ thể, quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đây chính là những không gian mới, cơ hội thuận lợi cho Việt Nam thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Bên cạnh những lợi thế, trong bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu, để thuận lợi hơn trong thu hút vốn FDI trong bối cảnh mới, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng cần tiếp tục duy trì và tăng cường các yếu tố nội tại như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở giao thông; chọn lọc dự án đầu tư hiệu quả nhất.
Còn theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ngân hàng ADB tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần mở rộng các FTA đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP RCEP… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu; hướng thu hút vốn đầu tư vào các ngành hàng có lợi thế, các lĩnh vực được ưu tiên trong các FTA là công nghệ cao, bền vững.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, dù khó khăn nhưng mục tiêu thu hút FDI năm 2025 đặt ra là đạt khoảng 35 - 40 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện khoảng 27 - 28 tỷ USD. Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài.