Nhìn thẳng - Nói thật

“Tử huyệt” hậu kiểm – Kỳ 2: Hồ sơ hợp pháp, chất lượng giả mạo

Nguyễn Giang 15/04/2025 04:00

Sản phẩm “giả mạo” nhưng hồ sơ lại hoàn toàn “hợp pháp”, một nghịch lý đang âm thầm hủy hoại niềm tin người tiêu dùng và khiến hệ thống hậu kiểm trở nên vô nghĩa…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trong bài báo: “Tử huyệt” hậu kiểm: Kỳ 1 - Hàng “độc” len lỏi khắp thị trường, gần 600 dòng sữa bột giả và hàng trăm nghìn sản phẩm kẹo rau củ “thần kỳ” mang tên Kera đã len lỏi khắp thị trường, đặt người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bệnh vào tình thế bị đe dọa sức khỏe nghiêm trọng.

Điều khiến dư luận bàng hoàng là tất cả những sản phẩm này đều đã vượt qua được khâu công bố chất lượng, một “cửa chốt” quan trọng trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm.

Ở kỳ 2 của loạt bài “Tử huyệt hậu kiểm”, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào quy trình công bố sản phẩm, nơi nhiều doanh nghiệp đã “biến hóa” thành phần và hồ sơ kỹ thuật để qua mặt cơ quan quản lý, tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường.

tu-huyet-hau-kiem-ky-2-ho-so-hop-phap-chat-luong-gia-mao-2.jpg
Gần 600 loại sữa nhái các thương hiệu nổi tiếng như Nuti, Celia, Ensure, Colosbaby... đã được sản xuất và tung ra thị trường. Ảnh: CACC

Hồ sơ “đẹp”, hàng hóa “rởm”

Vụ án liên quan đến kẹo rau củ Kera vừa qua là minh chứng điển hình. Theo kết quả kiểm nghiệm độc lập, hàm lượng vitamin và khoáng chất trong sản phẩm không đạt so với công bố. Những lời quảng bá về “chiết xuất tự nhiên từ 8 loại rau củ” hóa ra chỉ là chiêu trò thổi phồng. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn được công bố chất lượng, có đầy đủ mã số, mã vạch và cả tem truy xuất nguồn gốc.

Nguyên nhân được giới chuyên gia lý giải, đơn vị sản xuất chỉ cần nộp một mẫu thử đạt chuẩn kèm bản kê khai thành phần cho cơ quan chức năng, sau đó sản xuất đại trà các lô hàng kém chất lượng mà không bị kiểm tra lại. Không dừng ở đó, các đối tượng còn ký hợp đồng với các KOLs, người nổi tiếng như Linh Vlogs, Hằng Du Mực, Hoa hậu Thủy Tiên... để quảng bá, đánh vào tâm lý tin tưởng của người tiêu dùng.

Sự thật này đặt ra câu hỏi lớn: Ai giám sát quá trình sau công bố? Vì sao những sai phạm chỉ bị phát hiện sau khi hậu quả đã lan rộng?

Vòng tròn hoàn hảo cho hàng giả

Ngày 12/4/2025, Cục Cảnh sát Kinh tế (C03 – Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hà Nội công bố kết quả điều tra đường dây sản xuất sữa bột giả cực lớn, với sự tham gia của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Gần 600 loại sữa nhái các thương hiệu nổi tiếng như Nuti, Celia, Ensure, Colosbaby... đã được sản xuất và tung ra thị trường.

Cơ quan chức năng đã khám xét 19 địa điểm, thu giữ hơn 26.000 lon sữa các loại cùng hàng loạt giấy tờ, máy móc, bao bì. Dư luận đặt dấu hỏi: Vì sao một quy mô lớn như vậy có thể tồn tại lâu dài mà không bị phát hiện?

Theo các chuyên gia, câu trả lời nằm ở chính cơ chế công bố sản phẩm. Những doanh nghiệp này đã “qua mặt” hệ thống bằng tem truy xuất giả, thiết kế bao bì tinh vi và quan trọng nhất là bộ hồ sơ công bố đạt chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm được đưa vào chuỗi siêu thị mini và các sàn thương mại điện tử một cách hợp pháp.

Đáng nói, với hình thức “phân phối độc quyền”, chỉ một doanh nghiệp đứng tên công bố là đủ. Sau đó, hàng trăm cơ sở gia công, đóng gói sẽ thực hiện sản xuất mà không cần hậu kiểm thêm, tạo ra một chuỗi phân phối đầy rủi ro.

tu-huyet-hau-kiem-ky-2-ho-so-hop-phap-chat-luong-gia-mao-1.jpg
Cơ quan chức năng cho biết, kết quả kiểm nghiệm độc lập, hàm lượng vitamin và khoáng chất trong sản phẩm kẹo Kera không đạt so với công bố.

Hệ thống bị vô hiệu hóa, ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La – thẳng thắn nhận định: “Cơ chế tự công bố hiện nay biến cơ quan chức năng thành nơi lưu trữ giấy tờ, chứ không phải cơ quan thẩm định. Họ không có trách nhiệm kiểm tra lại nếu không có phản ánh hay tố giác”.

Theo ông Biên, doanh nghiệp chỉ cần đưa ra một mẫu đạt chuẩn, sau đó sản xuất hàng loạt sản phẩm sai thành phần mà vẫn hợp pháp trên giấy tờ. “Đó chính là tử huyệt. Khi sản phẩm gây hại mới bị phát hiện, thì người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân”, ông nói.

Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law – cũng nhìn nhận rằng: “Nghị định 15/2018/NĐ-CP tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng nếu không có chế tài hậu kiểm mạnh thì chẳng khác nào cấp phép tự do cho gian lận”. Theo ông Tuấn, không ít đơn vị tư vấn sẵn sàng tiếp tay làm đẹp hồ sơ cho doanh nghiệp, bất chấp chất lượng thật của sản phẩm.

“Cho nên, cần xác định rõ trách nhiệm của bên tư vấn. Nếu để họ ngoài vòng pháp lý thì chuỗi gian dối sẽ không thể chặn đứng”, ông nhấn mạnh.

Cần thay đổi từ gốc

Từ hai vụ việc điển hình nêu trên, có thể thấy rõ: hệ thống hậu kiểm hiện nay chỉ “làm việc” khi có hậu quả. Điều này đi ngược với nguyên tắc quản lý rủi ro, phòng ngừa từ sớm.

Luật sư Nguyễn Đức Biên kiến nghị, cần rà soát lại toàn bộ quy trình tự công bố, đặc biệt với nhóm sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như sữa bột, thực phẩm chức năng, bánh kẹo dùng cho trẻ em.

“Cần có cơ chế hậu kiểm định kỳ, kiểm tra ngẫu nhiên và kiểm nghiệm độc lập sau lưu hành. Nếu không, doanh nghiệp chỉ cần hợp thức hóa bằng giấy tờ là có thể qua mặt toàn hệ thống”, ông Biên nói.

Quan trọng hơn, cần đặt câu hỏi: Có nên quay lại mô hình thẩm định bắt buộc với các nhóm sản phẩm đặc biệt? Nếu không, phải thiết lập cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, đi kèm trách nhiệm cá nhân của cán bộ tiếp nhận hồ sơ và đơn vị tư vấn.

Nếu không làm được điều đó, thì mỗi bản công bố chất lượng, thay vì là “cam kết bảo vệ sức khỏe” sẽ chỉ là “giấy thông hành” cho những mối nguy ẩn danh, rình rập trong từng hộp sữa, viên kẹo hàng ngày của người dân.

Còn tiếp…

Nguyễn Giang