Thủ tướng Phạm Minh Chính với thông điệp “không biết thì không quản”
Sự cởi mở trong tư duy lập pháp và điều hành chính sách không chỉ phản ánh tinh thần cải cách mà còn là chìa khóa để khơi dậy niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi một thông điệp chỉ đạo mang tính đột phá: “Không biết thì không quản”.
Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa tư duy pháp lý mới mẻ và tầm nhìn chiến lược, mở ra hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Tinh thần này được Thủ tướng nhấn mạnh trong quá trình thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Cụm từ ngắn gọn “không biết thì không quản” thể hiện sự chuyển biến đáng kể trong tư duy quản lý nhà nước, từ nặng tính kiểm soát sang khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm. Đây không chỉ là lời hiệu triệu dành cho các nhà làm luật, mà còn là thông điệp tạo cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức nghiên cứu và những người làm công nghệ.
Việt Nam từng đối mặt với tình trạng “luật đi sau thực tiễn”. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ cùng các mô hình kinh doanh đột phá đã đặt ra thách thức không nhỏ cho hệ thống pháp luật truyền thống. Từ fintech, kinh tế chia sẻ, blockchain, trí tuệ nhân tạo cho đến các hình thức thanh toán điện tử phi truyền thống…, nhiều lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nhưng lại gặp khó khăn khi du nhập vào Việt Nam do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Trong bối cảnh ấy, tư duy “không biết thì không quản” được Thủ tướng đưa ra không mang nghĩa từ bỏ vai trò quản lý của Nhà nước, mà ngược lại, là sự chuyển hóa trong cách tiếp cận. Khi pháp luật chưa kịp điều chỉnh, thay vì cấm đoán hoặc thắt chặt, chính quyền nên mở cửa để lắng nghe, tìm hiểu và từng bước xây dựng cơ chế thử nghiệm - sandbox - nhằm nhận diện rủi ro, đánh giá tác động và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, trong dự thảo Nghị quyết về việc hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu có chính sách vượt trội, tức là không chỉ tốt hơn pháp luật hiện hành của Việt Nam, mà còn phải cạnh tranh được với các trung tâm tài chính toàn cầu. Điều này đòi hỏi một tư duy quản lý mang tính mở, đón đầu xu thế, cho phép thử nghiệm những điều chưa từng có tiền lệ.
Tư duy “không biết thì không quản” khi được áp dụng vào lĩnh vực tài chính sẽ là bước đột phá lớn. Hệ thống ngân hàng số, tài sản số, đồng tiền kỹ thuật số, hay thị trường vốn xuyên biên giới... đều là những thực thể phức tạp, chưa được luật hóa rõ ràng ở nhiều quốc gia. Thay vì giữ quan điểm “chưa có luật thì chưa làm”, chính quyền cần thay đổi cách nghĩ: phải cho phép thử nghiệm trong không gian kiểm soát để học hỏi, thích nghi và cùng doanh nghiệp đi đến tương lai.
Sự cởi mở trong tư duy lập pháp và điều hành chính sách còn đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy lòng tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Trong môi trường mà mọi sáng kiến đều có nguy cơ bị cấm do “chưa có quy định”, các doanh nhân, startup và nhà đầu tư sẽ luôn ở trong thế bị động, dè chừng. Ngược lại, khi Nhà nước cho thấy sự lắng nghe và sẵn sàng đồng hành, đó sẽ là chất xúc tác cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cần phải nhấn mạnh “không biết thì không quản” không phải là buông lỏng quản lý. Ngược lại, đây là một hình thức quản lý chủ động, dựa trên nguyên tắc thí điểm có giới hạn, có điều kiện và có giám sát.
Các mô hình mới khi vận hành vẫn cần tuân thủ các tiêu chí an toàn tối thiểu, như yêu cầu bảo đảm tài chính, báo cáo định kỳ, đánh giá rủi ro hoặc giới hạn thời gian thử nghiệm. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, cơ quan quản lý sẽ có cái nhìn toàn diện hơn để đưa ra quyết sách đúng đắn, thay vì ra luật chỉ dựa trên giả định.
Chính phủ với vai trò của mình, không chỉ hỗ trợ về hành lang pháp lý mà còn giúp xây dựng lòng tin, tạo sân chơi bình đẳng và thúc đẩy phát triển lành mạnh cho những ý tưởng mới mẻ.
Trong thế giới đầy biến động và cạnh tranh ngày nay, quốc gia nào sở hữu thể chế linh hoạt, dám mở đường cho đổi mới sẽ là quốc gia đi đầu. Do đó, thông điệp “không biết thì không quản” của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà là tuyên ngôn mạnh mẽ về tầm nhìn lãnh đạo và định hướng phát triển quốc gia.
Muốn xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, muốn phát triển nền kinh tế số, muốn bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần một môi trường pháp lý có khả năng thích ứng nhanh, khuyến khích sáng tạo, đồng hành cùng tiến bộ; cần tư duy pháp luật không thể là rào chắn, mà phải là đòn bẩy cho sự phát triển.
Và để làm được điều đó, chính tinh thần “không biết thì không quản” sẽ là điểm khởi đầu đầy cảm hứng.