Sửa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Cần tách bạch rõ việc áp dụng pháp luật
Để tránh những chồng chéo, tăng gánh nặng cho hoạt động của doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi), một số ý kiến đề xuất, cần tách bạch rõ việc áp dụng pháp luật.
Theo đó, sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, đến thời điểm hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 6 Chương và 66 Điều, trong đó đã sửa đổi 32 Điều, bổ sung 3 Điều, bãi bỏ 9 Điều và 3 khoản của Luật hiện hành.

Dự thảo Luật (sửa đổi), nội dung sửa đổi trong các điều tập trung vào 4 nhóm chính sách đã có trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và trình độ phát triển của khoa học và công nghệ.
Xoay quanh nội dung được đề xuất, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng); trong đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là việc áp dụng chồng chéo giữa các luật khác nhau.

Nêu thực trạng về sản phẩm, hàng hóa thức ăn chăn nuôi đang phải áp dụng theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đề nghị cần tách bạch rõ khi nào áp dụng pháp luật theo quy định của Luật này, khi nào áp dụng pháp luật theo luật chuyên ngành.
Đồng quan điểm, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa là các bộ luật gốc để điều chỉnh các quy định nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, các luật chuyên ngành cũng có quy định về chất lượng hàng hóa. Dù được điều chỉnh bởi các luật khác nhau nhưng đều chung đối tượng quản lý là hàng hóa và cùng mục tiêu là đảm bảo chất lượng và an toàn.
Chính vì vậy, việc thiết kế các luật gốc và luật liên quan theo hướng bảo đảm các bước trong quy trình, nội dung, chủ thể quản lý để đạt được mục tiêu không trùng chéo, không trùng lắp, không bỏ sót quy trình để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là chất lượng và an toàn.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với một số đại diện Hiệp hội ngành hàng mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Đức Duy khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng và nền kinh tế.
Đối với nội dung về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, Bộ trưởng cho rằng, việc yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy đối với một số sản phẩm đã được cấp phép lưu hành làm tăng chi phí, tăng thủ tục, tăng thời gian, nhưng chất lượng không thay đổi.
Do vậy, để bảo đảm tính nhất quán với các luật chuyên ngành như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, cần nghiên cứu điều chỉnh để tránh tình trạng đánh giá chất lượng nhiều lần không cần thiết.
Được biết, trước đó, cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho hay, cơ quan soạn thảo mới chỉ nêu các nhóm vướng mắc bất cập trong các luật liên quan mà chưa chỉ ra và tổng hợp cụ thể các điểm, khoản có nội dung vướng mắc, chưa thống nhất trong các Luật, chưa đưa ra các quy định cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật.
Vì vậy, cơ quan này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các Dự án luật có liên quan, nhất là Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Thú y,…
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy cho phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng đơn giản tối đa thủ tục hành chính, tránh chồng chéo, trùng lặp và áp dụng các công nghệ mới trong việc công bố hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí. Nghiên cứu kỹ lưỡng cơ sở pháp lý và thực tiễn, đề xuất phương án hoàn thiện các quy định liên quan đến công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa.