Ngân hàng có "vị trí" ra sao trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế?
Ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong duy trì hoạt động và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, vừa là thành viên vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, các ngành dịch vụ lớn
Nhìn từ bản chất thị trường tài chính và cơ cấu thị trường, có thể thấy thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một cấu phần quan trọng của mọi thị trường tài chính. Chính vì lẽ đó, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, ngành gân hàng giữ vai trò rất quan trọng, phản ánh trên 3 phương diện chính.

Sự khác biệt và những chính sách ưu đãi cùng với yêu cầu phát triển ở mức cao và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị, điều hành, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng… sẽ tạo nên một môi trường pháp lý thuận lợi. Đây cũng là nền tảng để các định chế tài chính hoạt động trong trung tâm tài chính quốc tế tuân thủ và phát triển, góp phần đạt được mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Thứ hai là vai trò cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước tăng trưởng và phát triển an toàn, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ ngân hàng theo hướng tiệm cận các định chế tài chính nước ngoài.
Trong quá trình này, các TCTD trong nước hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế không chỉ đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí trở thành thành viên của trung tâm tài chính quốc tế, mà còn cạnh tranh để phát triển với các yêu cầu về ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng huy động vốn cũng như đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng trong mối liên hệ và phát triển với thị trường tài chính quốc tế. Đây không chỉ là vai trò, nhiệm vụ quan trọng, mà còn là động lực thúc đẩy các TCTD trong nước phát triển, cũng như sử dụng và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Thứ ba là vai trò đáp ứng nhu cầu vốn dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, các thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm… phát triển. Việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố: ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại và bán lẻ, bất động sản và du lịch… Trong quá trình này, ngược lại, sự phát triển của các thị trường và các ngành dịch vụ lớn sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để trung tâm tài chính quốc tế phát triển, vận hành và thu hút các nguồn lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.

Với những vai trò quan trọng đó, sự đóng góp của ngành Ngân hàng trong xây dựng nghị quyết của Quốc hội và các nghị định liên quan lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cũng như phát huy những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong sự phát triển của trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh (trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh hiện tại, liên tục tăng xếp hạng trong những năm gần đây) sẽ là nền tảng vững chắc để ngành Ngân hàng phát triển.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành Ngân hàng góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ.