Đẩy mạnh nhập khẩu cồn Ethanol từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại
Việc đẩy mạnh nhập khẩu cồn Ethanol từ Mỹ sẽ giúp phần nào cân bằng cán cân thương mại trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam.

Đó là nhận định của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam trong công văn số 0804225/HHNLSHVN gửi Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) mới đây trước việc Hòa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam.
Thế mạnh của Hoa Kỳ - nhu cầu của Việt Nam
Theo nhận định của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, do đặc thù về kinh tế của 2 quốc gia, Việt Nam rất muốn tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ không có nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam sẵn sàng và có thể nhập khẩu ngoài những mặt hàng có thế mạnh của Hoa Kỳ như: Vũ khí, LNG, Máy bay, Hàng công nghệ cao, Nông sản (đa số là ngô và đậu tương) hay Ethanol.
Ethanol là một mặt hàng mà Hoa Kỳ gần như thống trị thế giới về sản lượng (chiếm khoảng 50% tổng sản lượng Ethanol toàn cầu), hơn 50% sản lượng ngũ cốc của Hoa Kỳ là dùng để sản xuất Ethanol, chương trình xăng sinh học của Hoa Kỳ đã được áp dụng trong nhiều năm và rất thành công, vừa đảm bảo bài toán đầu ra cho nông sản, vừa giải quyết một phần an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường (Hoa Kỳ bắt buộc toàn bộ xăng bán ra thị trường phải pha Ethanol tỷ lệ 10-20% tùy từng bang).
Liên quan đến thuế nhập khẩu cồn Ethanol 99% dùng để pha xăng sinh học nhập khẩu vào Việt Nam, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho rằng việc thời gian qua Việt Nam liên tục giảm thuế mặt hàng này từ mức 15% xuống 12%, 10% và gần nhất là 5%).
Tuy nhiên, nếu thực sự muốn tạo cơ hội để nhập khẩu Ethanol và ngô để sản xuất Ethanol từ Hoa Kỳ vào Việt Nam thì bài toán hạ thuế, thậm chí về 0% không giải quyết được vấn đề vì quy mô sử dụng Ethanol như hiện nay ở Việt Nam là quá nhỏ (chỉ dùng để pha 5% cồn vào xăng A92, trong khi xăng A92 chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng).
Chỉ khi Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo sử dụng 100% xăng sinh học cho cả 2 loại xăng A92 và A95 bằng cách pha tối thiểu 10% để hình thành xăng sinh học E10 cho cả 2 loại xăng thì khi đó, với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn xăng hiện nay, nhu cầu nhập khẩu Ethanol có thể tăng gấp 10 lần hiện nay (lên khoảng 1 triệu tấn Ethanol), tương đương với giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong thời gian tới, chúng ta có thể nhanh chóng nâng tỷ lệ pha Ethanol lên 20% như hầu hết các quốc gia đã áp dụng (Philipines, Thái Lan, Mỹ, Brazil, Châu Âu) thì dư địa nhập khẩu riêng mặt hàng Ethanol từ thị trường Mỹ có thể đạt khoảng 2 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 17% giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ vào Việt Nam). Đây sẽ là một con số đáng kể.
Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam mới đây cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất nhanh chóng triển khai chương trình xăng sinh học E10 toàn phần (tức pha 10% cồn vào cả 2 loại xăng đang lưu thông trên thị trường một cách bắt buộc). Tổ chức này cũng cho rằng sử dụng xăng sinh học không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà còn là xu thế phát triển của thế giới, giúp giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển.
“Đây là cách tốt nhất để có thể tạo dư địa nhập khẩu mặt hàng Ethanol từ Hoa Kỳ vào Việt Nam thay vì chỉ sử dụng công cụ hạ thuế nhập khẩu mặt hàng này. Đây là giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu nhất đóng góp vào các giải pháp tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ vào Việt Nam mà Chính phủ đang cố gắng triển khai thực hiện”, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam nhấn mạnh.
Xu thế sử dụng xăng sinh học
Nói về hiệu quả sử dụng xăng sinh học (E5), Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết: Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học và yêu cầu sử dụng xăng sinh học cho các phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, từ 01/1/2015, Việt Nam thí điểm sử dụng 5% cồn pha với xăng A92 để đưa ra thị trường loại nguyên liệu gọi là E5 mà trước đây chúng ta vẫn sử dụng. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Chính phủ mới cho phép thí điểm một phần rất nhỏ lượng xăng dầu sử dụng chuyển đổi sang xăng sinh học E5, địa bàn thực hiện từ các tỉnh thành lớn sau đó mới nhân rộng ra toàn quốc nên việc thực hiện thiếu quyết liệt và đồng bộ.
Cũng tại thời điểm đó, nhận thức về những mối lo ngại do ô nhiễm môi trường gây ra cũng chưa đầy đủ và đúng đắn, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng khiến người tiêu dùng coi nhẹ và không mặn mà lắm đến việc sử dụng xăng sinh học. Điều đó dẫn đến việc triển khai sử dụng xăng sinh học bị đình trệ, gián đoạn và thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay khi mà Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế, chúng ta đã tham gia vào các tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu, về cam kết giảm phát thải và chống ô nhiễm môi trường nên việc sử dụng các loại nguyên liệu xanh, sạch, nguyên liệu tái tạo và sinh học trở nên hết sức cấp thiết.
Thống kê cho sự cần thiết này, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết: Hiện việc sử dụng xăng sinh học đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và coi đó là điều kiện bắt buộc. Thống kê cho thấy hiện tỷ lệ sử dụng xăng sinh học tại Mỹ là từ 10-20% tùy từng bang; tại Brazil là 20 đến 85%; tại khối EU là 10%; tại Thái Lan là 20% và tại Trung Quốc con số này cũng là 10%. Nói như vậy để chúng ta có thể thấy rằng xu hướng sử dụng xăng sinh học trên thế giới là cần thiết và ngày một gia tăng.
Trong công văn số 554/HHXDVN ngày 20/2/2025 của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nếu rõ: việc suy giảm sản lượng xăng E5 không phải là do người tiêu dùng thiếu tin tưởng về chất lượng và quay lưng với xăng sinh học E5 mà nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta lựa chọn mặt hàng để phối trộn với nguyên liệu sinh học là xăng RON92 có mức chất lượng thấp (mức 2) sử dụng phần lớn cho xe máy và duy trì vòng đời sản phẩm quá dài (7 năm). Trên thực tế, khách hàng luôn có xu hướng sử dụng xăng dầu với chất lượng cao hơn, dẫn đến sản lượng xăng E5 suy giảm. Như vậy, so với quy định tại Quyết định 53/2012/QĐ-TTg, lộ trình phối trộn E10 đã chậm tới 7 năm, trong khi đó các nước trên thế giới và khu vực đang hướng tới lộ trình sử dụng E15 - E20. Hiện nay, chúng ta đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện việc phối trộn và cung cấp nhiên liệu E10. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Chính phủ áp dụng việc sử dụng xăng E10 từ ngày 1/10/2025.
Tại Việt Nam nếu chúng ta tăng cường sử dụng xăng sinh học sẽ giúp người dân giảm đáng kể chi phí khi sử dụng các phương tiện cơ giới đường bộ bởi giá xăng sinh học bao giờ cũng rẻ hơn xăng truyền thống. Ngoài ra, nó còn giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng ô nhiễm ra môi trường, góp phần tích cực vào nhiệm vụ giảm phát thải mà Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
“Đây là thời điểm tốt nhất để Việt Nam tái khởi động một cách quyết liệt việc sử dụng xăng sinh học, góp phần tiết giảm chi phí, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ”, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam khẳng định.