Tháo rào cản cho các start-up công nghệ
Siết chặt điều kiện để doanh nghiệp tham gia sàn chứng khoán không chỉ giúp loại bỏ các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện mà còn hạn chế tình trạng IPO ồ ạt, kém chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số chính sách hiện hành đã và đang tạo rào cản với các start-up công nghệ...

Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đang dần trở nên quen thuộc với giới đầu tư và doanh nghiệp khu vực châu Á, đặc biệt là các start-up công nghệ. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Xu hướng các doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động sẽ lựa chọn IPO ngày càng trở nên phổ biến. Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, để thực hiện IPO trên các sàn chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện minh bạch thông tin qua các kênh phương tiện truyền thông, bao gồm cả internet; tại thời điểm đăng ký IPO, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng theo giá trị ghi trên sổ kế toán; doanh nghiệp cần bảo đảm có lợi nhuận trong hai năm liên tiếp trước khi đăng ký IPO và không có lỗ lũy kế.
Hơn nữa, để IPO, doanh nghiệp còn phải trải qua một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà hầu hết các doanh nghiệp đều phải lựa chọn thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm.
Việc nâng cao chất lượng các thương vụ IPO, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bảo đảm tính lành mạnh cho thị trường chứng khoán,… là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định này cũng cho thấy những tồn tại, bất cập khiến các start-up công nghệ gặp khó khăn trong việc thực hiện IPO.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Như đã nói, theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, muốn IPO bắt buộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Đây là quy định gây khó nhất đối với doanh nghiệp muốn IPO, đặc biệt là các start-up công nghệ, bởi:
Thứ nhất, đặc thù của doanh nghiệp công nghệ toàn thế giới là không có tài sản hay bất động sản. Điều đó dẫn đến việc tiếp cận vốn vay truyền thống rất khó khăn. Đây là một rào cản rất lớn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp công nghệ.
Thứ hai, doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh và nhu cầu vốn lớn, tuy nhiên việc giới thiệu tiềm năng bản thân là một vấn đề tương đối trừu tượng đối với họ, dẫn đến một rào cản khiến họ khó tiếp cận với các nguồn vốn truyền thống.
Thứ ba, trong các giai đoạn đầu, và thậm chí đối với công ty khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn đang trong tình trạng lỗ, mặc dù định giá rất cao về mặt giá trị, sản phẩm.
Thực tế, nếu xét theo quy định hiện hành thì Tesla của Elon Musk nếu khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ không thể IPO và kêu gọi vốn để phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Bởi, doanh nghiệp này IPO năm 2010 và liên tục lỗ, thậm chí 2017 lỗ tới hơn 2 tỷ USD, mãi cho đến năm 2020 - hãng này ghi nhận lợi nhuận năm đầu tiên.

- Trước thực tế đã nêu, để có thể tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy các start-up công nghệ phát triển, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Hiện nay, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, cho nên, trước các vướng mắc hiện hành, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, trong đó, nên xem xét cho phép các start-up công nghệ nếu bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác nhưng vẫn còn tồn tại lỗ lũy kế thì được phép niêm yết trên sàn chứng khoán cho các đối tượng là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư nước ngoài. Đi kèm với đó, các doanh nghiệp này cũng có trách nhiệm minh bạch thông tin về tình trạng tài chính để các nhà đầu tư đánh giá và quyết định đầu tư.
Đồng thời, quá trình sửa đổi Luật cũng nên nghiên cứu dành riêng một Chương về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường. Bởi, vai trò của thị trường vốn trong phát triển khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là rất quan trọng.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học, công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp, hay quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về các trung tâm tài chính quốc tế để có thể bao quát được các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp start-up công nghệ.
- Trân trọng cảm ơn ông!