Phân tích - Bình luận

Trung Quốc nắm chuỗi cung ứng khó thay thế

Trương Khắc Trà 17/04/2025 04:06

Những ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng toàn cầu lần này đã chứng minh vai trò sản xuất khó có thể thay thế của Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ bối rối vì không thể lấy hàng từ Trung Quốc (Ảnh CNBC)
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ bối rối vì không thể lấy hàng từ Trung Quốc (Ảnh CNBC)

Căng thẳng thương mại giữa các siêu cường ngay lập tức tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Người tiêu dùng tại Hoa Kỳ sẽ mất quyền tiếp cận một số hàng hóa quan trọng từ Trung Quốc, và nhiều nhà phân phối tìm kiếm đối tác mới.

Giới chuyên môn đánh giá, mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm, ngay cả khi các công ty Hoa Kỳ lấy nguồn hàng từ Trung Quốc đang gấp rút tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Nhà sản xuất giày chạy bộ mới nổi Topo có kế hoạch gặp gỡ nhiều hơn với các nhà cung cấp có trụ sở tại Việt Nam sau khi đã “mất kết nối” gần như hoàn toàn với đối tác cũ do thuế quan.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bối rối khi phải rời bỏ nơi sản xuất lý tưởng nhất của họ. Steve Greenspon, CEO công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International nói: “Thật khó để biết phải xoay trục như thế nào vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong 90 ngày nữa”.

Julian Evans-Pritchard, nhà phân tích tại Capital Economics nhận định các chuyến hàng của Trung Quốc đến Hoa Kỳ có khả năng sẽ giảm 80% trong hai năm tới. Các nhà phân phối Hoa Kỳ không dễ tìm kiếm nguồn hàng thay thế.

Goldman Sachs phân tích: Đối với 36% hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ - hơn 70% trong số này chỉ có thể đến từ các nhà cung cấp có trụ sở tại cường quốc châu Á. Ngân hàng đầu tư này còn cho biết, chỉ có 10% hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Hoa Kỳ. Ngoài hàng may mặc và giày dép, Hoa Kỳ còn phụ thuộc vào Trung Quốc về máy tính, máy móc, đồ gia dụng và đồ điện tử.

Nền sản xuất Trung Quốc là hiện tượng có một không hai (Ảnh Bloomberg)
Nền sản xuất Trung Quốc là hiện tượng có một không hai (Ảnh Bloomberg)

Rõ ràng, Trung Quốc quá quan trọng với chuỗi cung ứng toàn cầu, nền sản xuất đặc biệt tại quốc gia này đảm đương nhiệm vụ rất khó thay thế. Nếu nó không thể hoạt động bình thường, thì các quốc gia khác cũng chỉ có thể chia sẻ một phần mà thôi.

Ví dụ điển hình nhất là Apple, cho dù “táo khuyết” đã dịch chuyển dây chuyền đến nhiều nước khác, song vẫn không thể so sánh lợi thế với hạ tầng, nhân lực, chính sách, logictics tại Trung Quốc. Do vậy, ông Trump phải miễn thuế với điện thoại, máy tính và 20 danh mục sản phẩm khác được cung cấp từ quốc gia châu Á.

Cận cảnh hơn, hãy xem ngành pin, không nơi nào có thể sản xuất nhanh, nhiều, rẻ và chất lượng đảm bảo như các doanh nghiệp Trung Quốc. Vì quốc gia này có tài nguyên, có công nghệ tinh luyện; họ sẵn sàng chịu rủi ro môi trường để phục vụ mục tiêu lớn.

Nhưng, đáng ngạc nhiên hơn cả là những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Deepseek và hàng loạt ứng dụng ra đời với chi phí bằng 1/3 so với các công bố đầu tư của châu Âu và Hoa Kỳ.

AI mã nguồn mở - được xem như miễn phí, chỉ có Trung Quốc làm được. AI mã nguồn mở tạo điều kiện cho việc sử dụng, sửa đổi và phân phối không hạn chế, bao gồm cả cho mục đích thương mại. Không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng AI toàn cầu trong những năm tới.

Trung Quốc đang triển khai các kế hoạch nhằm đa dạng hóa, phát triển khách hàng ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã tìm cách chuyển sang sản xuất cao cấp hơn.

Trương Khắc Trà