Kinh tế Trung Quốc: Tích cực trong quý 1, song còn rủi ro
Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu trong quý đầu năm 2025, trước khi thuế quan của Mỹ có thể tạo tác động.

Tín hiệu tích cực
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn mức dự báo 5,1% theo khảo sát của Reuters. Mức tăng trưởng này tiếp nối đà phục hồi khởi phát từ cuối 2024 nhờ chính sách kích thích quy mô lớn.
Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng - thước đo chính cho sức mạnh chi tiêu của người dân - cũng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, sản lượng công nghiệp có giá trị gia tăng - chỉ báo quan trọng về hoạt động sản xuất - tăng tới 6,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,9% ghi nhận trong 2 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 3, sản lượng công nghiệp tăng mạnh 7,7%.
Lĩnh vực công nghiệp đã được hưởng lợi từ việc các nhà xuất khẩu đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tích hàng trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực. Yếu tố này giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt 12% trong tháng 3 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà tăng này được dự báo sẽ suy yếu kể từ tháng 4.
Ngoài ra, đầu tư tài sản cố định - một động lực lớn khác cho tăng trưởng - cũng tăng 4,2% trong 3 tháng đầu năm.
Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở thành thị vẫn duy trì ở mức 5,3%, cho thấy thị trường lao động cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn
Trong báo cáo công bố vừa qua, các chuyên gia của Citigroup – trong đó có Ji Xinyu – nhận định rằng dù phía cung của nền kinh tế trong nước vẫn ổn định vào tháng 4, nhưng đà phục hồi của thị trường bất động sản đang yếu đi. “Chính sách sẽ đóng vai trò thiết yếu để ổn định kinh tế và giảm thiểu tác động từ thuế quan,” họ viết.

Nguy cơ vẫn ở phía trước
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể không mang lại nhiều niềm tin cho thị trường và doanh nghiệp, khi Mỹ vẫn áp mức thuế đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc lên ít nhất 145%. Mức thuế cao như vậy được dự báo sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc và làm giảm vài điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế năm nay.
“Đà tăng trưởng nhiều khả năng sẽ suy giảm nhanh chóng từ quý II, do khả năng đàm phán song phương nhằm tháo ngòi cho mức thuế quan gần như không có trong ngắn hạn,” các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cho biết.
Tâm điểm tiếp theo là các tín hiệu về gói kích thích của chính phủ Trung Quốc sau khi dữ liệu quý I được công bố.
Tại thời điểm này, giới quan sát dự kiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ sớm cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm giải phóng dòng tiền cho hệ thống ngân hàng. Gần đây, các quan chức cho biết Trung Quốc vẫn còn đủ dư địa chính sách và công cụ để ứng phó với cú sốc thuế quan.
Rủi ro nằm ở chỗ, các biện pháp hỗ trợ đáng kể có thể chỉ được triển khai khi dữ liệu kinh tế cho thấy sự suy giảm rõ rệt hoặc khi thị trường gặp cú sốc lớn.
Morgan Stanley nhận định, với cách tiếp cận phản ứng sau sự kiện, gói kích thích bổ sung có thể chỉ xuất hiện trong nửa cuối năm. Nếu vậy, thời điểm đó có thể đã quá muộn để vực dậy niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình, dẫn đến chi tiêu, đầu tư yếu đi và tình trạng giảm phát kéo dài.