Đạo đức kinh doanh là “thương hiệu” cốt lõi của doanh nghiệp
VCCI tiếp tục lan toả 6 Quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam và các doanh nhân coi đạo đức kinh doanh là “thương hiệu” cốt lõi của doanh nghiệp.
Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng được ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh tại Diễn đàn Văn hoá doanh nhân năm 2025 với chủ đề Kinh doanh có trách nhiệm.

Dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Làm giàu không chỉ vì mình mà còn vì dân, vì nước", ông Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là nền tảng của kinh doanh có trách nhiệm, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển. Trong đó cạnh tranh kinh tế không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn ở giá trị nhân văn, uy tín và trách nhiệm xã hội.
Kinh doanh có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng xã hội, với môi trường và tuân thủ pháp luật, theo ông Phan Xuân Thuỷ, đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Với yêu cầu đó, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố, giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài trong niềm tin của xã hội.
Doanh nhân, doanh nghiệp không thể phát triển đơn độc mà cần đồng hành cùng lợi ích chung, gắn kết với trách nhiệm xã hội, minh bạch trong quản trị và thân thiện với môi trường. Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, các doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm thường có khả năng thích ứng tốt hơn với biến động thị trường, duy trì được đội ngũ nhân sự ổn định và xây dựng được lòng tin vững chắc từ đối tác và người tiêu dùng.
Với ý nghĩa đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao VCCI trong thời gian vừa qua đã rất tích cực, chủ động khởi xướng, lan tỏa và tổ chức các hoạt động thúc đẩy xây dựng và thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh cũng như khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là những thông điệp gần đây của đồng chí Tổng Bí thư về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân - là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng và vươn mình ra thế giới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết thêm: thời gian qua, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã phối hợp với VCCI, các cơ quan hữu quan và các hiệp hội triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao vị thế và vai trò của đội ngũ doanh nhân. Tiêu biểu là Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh có trách nhiệm, trong thời gian tới, ông Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ doanh nhân, luôn coi đạo đức là “thương hiệu” cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục lan tỏa 6 Quy tắc đạo đức Doanh nhân Việt Nam, kết nối văn hóa doanh nghiệp với hệ giá trị văn hóa quốc gia.
Đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nhấn mạnh dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng đạo đức và giữ gìn chữ tín, ông Phan Xuân Thuỷ tin tưởng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ không ngừng kiến tạo những giá trị văn hóa riêng biệt, góp phần làm phong phú thêm bản sắc dân tộc. Dưới sự dẫn dắt của VCCI cùng sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, vươn lên mạnh mẽ, cất cánh vào kỷ nguyên mới.