Để nhà khoa học thực sự ở vị trí trung tâm
Dù được xác định là yếu tố then chốt tạo đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tuy nhiên chính sách phát triển nguồn nhân lực lại chưa được đặt đúng vị trí ưu tiên.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật Khoa học và công nghệ 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều. Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ.

Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội khẳng định, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 163 của Chính phủ.
Về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về quy định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KH,CN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó làm động lực để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST mạnh mẽ hơn.
Về quy định đối với nhà khoa học, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ quy định tại khoản 4 Điều 11 để phù hợp với nguyên tắc “lấy nhà khoa học là trung tâm” nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; bổ sung đối tượng “tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm” không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung quy định phong tặng viện sĩ viện hàn lâm cho cá nhân nước ngoài là các nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
“Bên cạnh đó, cần quy định cá nhân, tổ chức nghiên cứu có quyền công bố kết quả trong thời gian bảo lưu hợp lý trước khi dữ liệu được chia sẻ rộng rãi; bổ sung công nhận “các trường đại học quốc gia, các viện hàn lâm” là tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc biệt; bổ sung “danh hiệu viện sĩ” tương đương với nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; bổ sung quy định khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ KH,CN&ĐMST mà không cần hoá đơn, chứng từ, góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán”, ông Lê Quang Huy cho hay.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tại Điều 11 đề cập đến 10 nội dung về chính sách phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, chính sách về phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng thì lại được xếp cuối cùng sau các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và chính sách về hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc đưa chính sách nào lên hàng đầu trong Luật KH,CN&ĐMST là thể hiện thứ tự ưu tiên. Theo đó, đối với phát triển khoa học công nghệ thì chính sách về nguồn nhân lực là vấn đề cần phải ưu tiên hàng đầu. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW xác định yếu tố tiên quyết là thể chế nhân lực, hạ tầng dữ liệu và công nghệ chiến lược.
“Trong đó, cần có những ưu tiên rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ từ trí thức Việt kiều và người nước ngoài như chủ trương đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW là ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước có khả năng tổ chức điều hành, chỉ huy triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển, trí tuệ nhân tạo...”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.