Hệ thống cảng biển Quảng Ninh được đề xuất đầu tư 34.578 tỷ đồng
Với mục tiêu quy hoạch tới 30 bến cảng vào năm 2030, Quảng Ninh cần đầu tư ước tính khoảng 34.578 tỷ đồng đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ các cảng.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế nổi trội, thời gian qua Quảng Ninh luôn ưu tiên phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Đồng thời, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics...
Tận dụng tiềm năng sẵn có
Hiện nay, cảng biển Quảng Ninh có 34 cầu cảng cứng với tổng chiều dài gần 7.000 m. Trong đó, có 29 cầu cảng tổng hợp, rời, container, hàng lỏng, cảng khách với tổng chiều dài 5.591,2 m, 5 cầu cảng nhà máy đóng tàu với chiều dài 1.371 m và 186 bến phao, điểm neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, đáp ứng đa dạng nhu cầu khai thác hàng hóa trong mọi điều kiện thời tiết.

Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng tại khu vực có đa dạng các tuyến luồng hàng hải. Trong đó, tuyến luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân có tổng chiều dài 32,57 km, bề rộng từ 120-240 m, vũng quay trở tàu có đường kính 350 m (một số đoạn tận dụng độ sâu tự nhiên). Tuyến luồng hàng hải sông Chanh có tổng chiều dài 13,2 km, bề rộng 80 m, cao độ đáy -1,8 m (hệ hải đồ). Tuyến luồng hàng hải Vạn Gia có tổng chiều dài 9,2 km, bề rộng 120 m, cao độ đáy -6 m… và nhiều tuyến luồng hàng hải chuyên dùng dẫn đến các nhà máy xi măng, nhiệt điện, xăng dầu trên địa bàn tỉnh như Bến cảng Nhà máy xi măng Cẩm Phả, tuyến luồng vào bến cảng xăng dầu B12… đảm bảo thuận tiện cho việc kết nối, giao thương.
Tính đến nay, cơ sở hạ tầng kết nối đến các cảng biển Quảng Ninh khá đa dạng. Với 8 tuyến quốc lộ và 2 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 633,07 km kết nối các khu bến chính như khu bến Cái Lân, khu bến Yên Hưng, Cẩm Phả, bến cảng Vạn Gia và bến cảng Mũi Chùa.
Cùng với đó, các tuyến vận tải thủy chính thức gồm Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì (sông Đuống), Quảng Ninh - Ninh Bình (qua cửa Lạch Giang) và các tuyến vận tải nội tỉnh như: Móng Cái - Vân Đồn - Cẩm Phả, Cẩm Phả - Hạ Long, Tài Xá - Mũi Chùa, sông Móng Cái, sông Chanh, Sậu Đông - Tiên Yên, Hạ Long - Yên Hưng, Vân Đồn - Cô Tô… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ hàng hóa, hành khách thông qua các cảng trong nước và quốc tế.
Củng cố nội lực để phát triển
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh đạt 149,54 triệu tấn, tỷ lệ hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa chiếm khoảng 50% so với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng và chủ yếu là hàng khô. Lượng hàng chủ yếu thông qua bến phao, khu chuyển tải chiếm 80,9%, thông qua các bến cứng chiếm 19,1%. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt 9,02%. Cũng trong giai đoạn này, số lượt tàu biển đạt tăng trưởng bình quân 126,4%. Trọng tải trung bình cho một chuyến tàu biển đi quốc tế khoảng 30.000 tấn, xu thế giảm cỡ tàu nhỏ và tăng số lượng tàu lớn đến cảng biển Quảng Ninh.

Thời gian qua, cảng biển Quảng Ninh đã phát huy tốt năng lực nội tại khi liên tục tiếp nhận các tàu lớn, trong đó tàu lớn nhất có trọng tải 120.000 tấn tại khu neo Hòn Nét - Cẩm Phả hay các tàu tổng hợp, container, rời có trọng tải đến 85.000 tấn giảm tải tại cầu bến.
Để đưa cảng biển Quảng Ninh thực sự trở thành cú hích tăng trưởng kinh tế, mới đây, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 137,25 triệu tấn đến 157,3 triệu tấn (hàng container từ 0,65 triệu TEU đến 0,93 triệu TEU). Sản lượng hành khách thông qua từ 260.300 lượt khách đến 279.600 lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng cảng biển đảm bảo đồng bộ, hiện đại, xứng tầm khu vực và quốc tế, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cửa ngõ hướng biển của khu vực. Theo Quy hoạch, khu vực sẽ có từ 27 - 30 bến cảng, gồm từ 54 - 60 cầu cảng với tổng chiều dài từ 12.285 - 13.616 m (chưa bao gồm các bến cảng khác). Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5%/năm đến 5,3%/năm.
Cũng theo Quy hoạch đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất ước tính khoảng 1.755,2 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 115.136,1 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Trong giai đoạn này, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 34.578 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 6.300 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 28.278 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Theo dự thảo, Quảng Ninh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến luồng hàng hải như luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét cho tàu trọng tải đến 200.000 tấn; luồng Hòn Gai - Cái Lân cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vạn Gia cho tàu đến 20.000 tấn. Cạnh đó, đầu tư các bến cảng tại khu bến Cẩm Phả, Yên Hưng, Vạn Ninh, Hải Hà.
Mặt khác, để đảm bảo hoạt động ổn định trong mọi điều kiện, dự thảo quy hoạch cũng xác định ưu tiên triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải gồm khu neo đậu tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS). Đồng thời, đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn định hướng nghiên cứu, đầu tư các bến cảng chiến lược tại Mũi Chùa, Vân Đồn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo.