Giá vàng SJC lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 110 triệu đồng/lượng
Sau 09 phiên tăng giá liên tiếp, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đang thiết lập đỉnh giá mới, chính thức vượt ngưỡng 110 triệu đồng/lượng.
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, ngày 16/04, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước điều chỉnh tăng mạnh, với mức tăng lên đến gần 3 triệu đồng/lượng, qua đó tiếp tục đưa giá vàng miếng SJC thiết lập đỉnh giá mới, vượt ngưỡng 110 triệu đồng/lượng.

Theo đó, thời điểm lúc 10 giờ sáng nay, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết với mức giá 108.500.000 đồng/lượng mua vào và 111.000.000 đồng/lượng, tăng mạnh lên đến 3.000.000 đồng/lượng ở cả hai chiều giao dịch mua và bán so với giá thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Cùng thời điểm, tại Công ty Phú Quý SJC, giá vàng miếng được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng mạnh 1.400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 3.000.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 106.200.000 đồng/lượng mua vào và 111.000.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng chung với xu hướng tăng chóng mặt của giá vàng miếng SJC, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng rất mạnh.
Cụ thể, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng mạnh 3.000.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2.800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch ngày 16/4. Hiện tại giá niêm yết của PNJ là 105.800.000 đồng mua vào và 108.800.000 đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn trơn tại Công ty Phú Quý được niêm yết với mức giá 107.500.000 đồng/lượng mua vào và 110.500.000 đồng/lượng bán ra. Tương tự, giá vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng tại Công ty DOJI được niêm yết với mức giá 108.000.000 đồng – 110.500.000 đồng/lượng (mua vào và bán ra).
Như vậy, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước đã có 9 phiên tăng giá liên tiếp, từ mức giá 100.200.000 đồng/lượng (ngày 8/04), lên mức giá 111.000.000 đồng/lượng (ngày 16/04), tương ứng với mức tăng thêm 10.800.000 đồng/lượng.
Nếu so với thời điểm đầu năm nay, giá vàng miếng SJC bán ra ở mức 84.200.000 đồng/lượng (ngày 01/01), thì giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 26.800.000 đồng/lượng, tương ứng với mức tăng gần 32%.
Đồng thời, với mức giá mua vào ngày hôm nay là 108.500.000 đồng/lượng, nhà đầu tư mua vàng từ đầu năm cũng đã “bỏ túi” 24.300.000 đồng/lượng, tương ứng với mức tăng gần 29%.

Trên thị trường thế giới, thời điểm lúc 9 giờ 30 sáng nay, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức giá 3.271 USD/ounce, tăng gần 62 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Giá tăng mạnh do nhu cầu mua vàng trú ẩn của nhà đầu tư, khi chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thay đổi. Đồng USD yếu đi càng khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn.
Ngân hàng Commerzbank cho rằng, vàng tăng giá một phần do đồng USD mất giá. Việc này cho thấy vị thế tài sản an toàn của đồng USD đang suy yếu. Do đó, vàng có thể là lựa chọn thay thế USD của nhiều nhà đầu tư. Nhà băng này cũng cho rằng, triển vọng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn đang là bệ đỡ cho kim loại quý.
Mặc dù giá vàng đang được giao dịch ở mức giá cao ngất ngưởng nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng nhờ những yếu tố bất ổn kéo dài trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Jerry Prior - Giám đốc điều hành Mount Lucas Management, trong bối cảnh hiện tại, vàng là kênh đầu tư an toàn được nhiều người lựa chọn. Ông cho rằng, hiện tại, mọi thứ quá khó đoán, không có một công thức nào để áp dụng. Điều đó khiến vàng trở thành một kênh đầu tư an toàn được nhiều người lựa chọn.
Cùng quan điểm, chuyên gia Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence nhận định, vàng hoàn toàn có thể tiến tới mốc 4.000 USD/ounce. Theo vị chuyên gia này, kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ suy thoái, và điều này sẽ tác động mạnh tới dòng tiền trên thị trường.