“Tranh tối” của doanh nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An
Nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An tỏ ra kém lạc quan khi dự báo rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chưa kể là những khó khăn liên quan đến vấn đề tuyển dụng lao động, tài chính, công nghệ, nguyên vật liệu…
Hàng tồn kho, khó tiêu thụ
Thông tin từ Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ An, trong quý I/2025, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo đạt kết quả khá tích cực, có 63,04% doanh nghiệp đánh giá hoạt động ổn định và tốt hơn so với quý IV/2024. Trong khi đó, ở chiều ngược lại có 36,96% doanh nghiệp ghi nhận hoạt động có phần “kém sắc” và 21,74% doanh nghiệp dự kiến tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.

Trong các yếu tố ảnh hưởng được đưa ra, 2 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá. Cụ thể, có 59,78% doanh nghiệp nói rằng họ đang gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn ở mức thấp và 58,70% doanh nghiệp gặp khó khăn do tính cạnh tranh của hàng hoá trong nước ngày càng cao.
Bên cạnh đó, 18,48% doanh nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An lại cho biết do nhu cầu thị trường quốc tế thấp đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Lấy ví dụ điển hình như sản phẩm tinh bột sắn, một mặt hàng xuất khẩu mạnh của Nghệ An hiện đang trong tình trạng bị tồn kho với số lượng lớn, lên đến hàng chục nghìn tấn.
Sản phẩm tinh bột sắn hiện nay làm ra không thể tiêu thụ, hàng tồn kho chất đống, giá thành giảm mạnh nhưng vẫn không có đầu ra. Thực trạng này đang khiến các doanh nghiệp sản xuất lẫn người trồng sắn ở Nghệ An hết sức lo lắng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ chủ lực tinh bột sắn của Việt Nam đang giảm mạnh lượng nhập khẩu.
Ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc Công ty Nông thủy sản Nghệ An, sở hữu Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương, huyện Thanh Chương cho hay: Năm nay, sản lượng tinh bột sắn của nhà máy đạt khoảng 30.000 tấn. Từ đầu vụ đến nay, nhà máy đã tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn tinh bột sắn.
“Tuy nhiên, hiện giá tinh bột sắn giảm mạnh so với thời điểm đầu vụ. Bên cạnh đó, số lượng tinh bột sắn của nhà máy đang tồn kho khoảng 5.000 tấn, trong đó hơn 2.000 tấn chất đầy trong kho, 3.000 tấn phải phủ bạt để ngoài trời do kho chứa đã quá tải. Chúng tôi đang phấn đấu đến hết tháng 7/2025 sẽ xuất bán được hết số hàng trên” - ông Trần Quốc Hoàn nói.
“Điểm nghẽn” vốn và lao động
Một điểm đáng lưu ý khác, vấn đề thiếu hụt nguồn lao động vẫn đang là thực trạng đầy nhức nhối mà các doanh nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An phải đối mặt từ đầu năm đến nay. Thông qua cuộc khảo sát nhanh, có đến 30,43% doanh nghiệp đưa ra ý kiến họ đang còn gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực tế trong các khu công nghiệp hiện nay cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng lớn. Đơn cử như Công ty TNHH Fuwwing Interconnect Technology Nghệ An thuộc Khu công nghiệp WHA, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 người lao động, trong đó hơn 2.000 chỉ tiêu lao động phổ thông.
Hay như Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An nằm trong Khu công nghiệp WHA, huyện Nghi Lộc, chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe nên ngoài tiêu chí chung về sức khỏe, độ tuổi, công ty này còn có tiêu chí riêng là các ứng viên không bị mù màu.
Theo bà Bùi Thị Thuỷ - cán bộ nhân sự cho biết, công ty hiện có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động phổ thông, cả nam và nữ. Thu nhập của người lao động bao gồm tiền lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, phụ cấp 1,2 triệu đồng/tháng, phụ cấp thâm niên 150.000 - 300.000 đồng, phụ cấp chức vụ 2 triệu đồng. Ngoài chế độ tăng ca theo quy định của pháp luật, công ty còn có khoản phụ cấp khi làm 2 ca 500.000 đồng để động viên, khuyến khích người lao động.
Tuy nhiên, theo thông tin mà PV ghi nhận, “điểm nghẽn” về sự thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An nói chung đã và đang được các cấp ngành, chính quyền tỉnh Nghệ An ra sức thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời. Trong đó, hoạt động tổ chức “Ngày hội việc làm” là điểm nhấn đáng chú ý được đông đảo doanh nghiệp và người lao động quan tâm.
Mới đây nhất, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết sẽ phối hợp Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Nghi Lộc tổ chức Ngày hội việc làm đợt 2, năm 2025 tại Khu công nghiệp WHA, huyện Nghi Lộc vào ngày 27/4. Dự kiến có 15 doanh nghiệp tham gia, đăng ký tuyển dụng 12.000 vị trí việc làm, trong đó có 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động phổ thông, 2.000 chỉ tiêu tuyển dụng cán bộ kỹ thuật và nhân viên văn phòng.
Bên cạnh thiếu hụt nguồn lao động, khi khảo sát về các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, Chi cục Thống kê Nghệ An cũng đã chỉ ra, vốn là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp chế biến, chế tạo, với 28,26% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, 22,83% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 2,17% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Ngoài ra, Nghệ An cũng ghi nhận 18,48% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đánh giá về năng lực nội tại của doanh nghiệp, có 25% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiết bị, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến hơn; 11,96% doanh nghiệp gặp khó khăn do sản phẩm doanh nghiệp sản xuất phải cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu cùng loại…
Khó khăn là vậy, tuy nhiên, xét về bức tranh chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Nghệ An thì vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực. Theo đánh giá cho thấy, có 63,04% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh quý I/2025 ổn định và tốt hơn so với quý IV/2024. Dự kiến về quý tiếp theo, 78,26% doanh nghiệp lạc quan cho rằng hoạt động sẽ đi vào ổn định và tốt hơn nữa. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh Nghệ An trong năm 2025.