Cơ hội tự cường cho kinh tế Việt Nam
Giữa cơn bão thuế quan toàn cầu, Việt Nam đứng trước thách thức chưa từng có nhưng đó cũng là cơ hội để Việt Nam không chỉ ứng phó mà chủ động vươn lên.

Mặc dù, mức thuế 46% đã tạm hoãn xuống còn 10% trong 90 ngày để hai bên có thêm thời gian đàm phán song phương. Tuy nhiên, việc tạm hoãn mức thuế này chỉ là giải pháp tình thế, trong khi cơ hội để tự chủ và tái cấu trúc nền kinh tế đang rộng mở. Bài học từ lịch sử và thực tiễn quốc tế đặt ra câu hỏi: làm sao để Việt Nam không chỉ ứng phó mà chủ động vươn lên?
Với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, những chính sách này đã lập tức gây tác động mạnh. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, linh kiện điện tử đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI cũng bắt đầu tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ Washington.
Theo phân tích của TS. Chu Thanh Tuấn (RMIT Vietnam), bước ngoặt này có thể trở thành cơ hội nếu Việt Nam có tầm nhìn dài hạn và phối hợp hành động giữa chính sách vĩ mô và doanh nghiệp, tận dụng cú sốc để tái cấu trúc chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, các chuyên gia ADB khuyến nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để kích thích sản xuất và tạo việc làm, giảm bớt áp lực lên các ngành xuất khẩu chủ lực.
Để tăng sức chống chịu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chính quyền kiến tạo, có khả năng ra quyết định nhanh và truyền cảm hứng cho người dân – doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2025, nhấn mạnh số hóa toàn diện, giảm tối đa giấy tờ trung gian và thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp tại 5 địa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến thành lập Quỹ Hỗ trợ Đầu tư để cấp tài trợ vốn cho các dự án công nghệ cao, từ sản xuất chip bán dẫn đến R&D AI, với mục tiêu thu hút 40 tỷ-50 tỷ USD FDI mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, Nghị định 182 về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư đã mở ra cơ hội nhận trợ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và liên kết công-tư hiệu quả.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đặt trọng tâm vào đột phá thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và đánh giá độc lập để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chính sách. Việc áp dụng mô hình “thí điểm chính sách” tại các địa phương và mời tổ chức đánh giá quốc tế tham gia sẽ giúp Việt Nam điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng “hình thức” và tăng cường niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Nhìn chung, “nút thắt” thuế quan của Mỹ chỉ là một trong nhiều thách thức toàn cầu mà Việt Nam phải đối mặt trong “kỷ nguyên mới”. Để không bị động, quốc gia cần song song hai trụ cột: tự cường kinh tế qua xây dựng chuỗi giá trị nội địa vững chắc, và tự chủ thể chế qua đổi mới sáng tạo trong quản trị công. Chỉ khi cả hai trụ cột này đồng hành, Việt Nam mới thực sự “vươn mình” trên bản đồ kinh tế thế giới và giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Mặc dù có những thách thức, khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, cơ hội để chúng ta vươn lên mạnh mẽ hơn, tự lực tự cường và trưởng thành hơn”.