Đối ngoại

Thúc đẩy đầu tư, thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Trương Khắc Trà 19/04/2025 11:00

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục mở ra chương mới cho mối quan hệ song phương.

vn-tq-01_ruby-1.jpg
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Nguồn: TTX

Nhận lời mời của Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14-15/4/2025.

Nâng tầm quan hệ truyền thống

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong năm 2025 và là lần thứ 4 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam. Điều đó cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới đối tác rất rộng lớn trên toàn cầu của nền kinh tế số 2 thế giới.

Đồng thời, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam - với tư cách là nền kinh tế mới nổi, năng động, giàu tiềm năng phát triển; hoàn toàn đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ trung tâm chuỗi cung ứng trong chiến lược dài hạn của các cường quốc.

Mặc dù Việt Nam có quan hệ với các đối tác, bạn bè quốc tế sâu rộng, toàn diện, nhưng mối quan hệ “đặc biệt” với Trung Quốc liên tục được các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước bồi dưỡng, vun đắp; không ngừng tinh chỉnh, bổ sung nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp nhất.

Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 nước tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành "điểm sáng" mới trong quan hệ Việt - Trung. Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu,...

Tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Tập Cận Bình đề nghị hai bên kiên trì làm sâu sắc hơn tin cậy chiến lược, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước.

1-4670-8098.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kỳ vọng gì vào tương lai?

Dưới sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của Đảng cộng sản, thành tựu phát triển của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực thực sự đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Điều này xứng đáng để Việt Nam tham khảo, vận dụng giải quyết những bài toán hóc búa mang tính thời đại, đó là: phát triển nhanh, thần tốc rút ngắn khoảng cách công nghệ tiên tiến với thế giới, hiện đại hóa nền sản xuất, khả năng sáng tạo, tự chủ, tự cường,…

Trên thực tế, hai nước có không gian rộng lớn để tiếp tục hợp tác, giao thoa, học hỏi trong kỷ nguyên mới.

Thứ nhất là các công nghệ mới, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (AI); năng lượng sạch; chuyển đổi số... Kinh nghiệm của Trung Quốc là “từ học hỏi đến sáng tạo” trong quá trình nhiều thập kỷ. Ví dụ, mô hình AI Deepseek đã gợi ý cho chúng ta rằng, chi phí vốn không là vấn đề cản trở, và lĩnh vực này nhất quyết được tạo ra từ các trung tâm học thuật.

Hay như đối với năng lượng sạch, máy móc, linh kiện, thiết bị công nghiệp, tại sao doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất khối lượng lớn, giá thành rẻ, đạt tiêu chuẩn toàn cầu? Bên cạnh điều kiện “cứng” về vốn, tài nguyên, chính sách…, người Trung Quốc có ý chí vươn lên phi thường. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết cách gắn chặt “mục tiêu kinh tế” với “quyết tâm chính trị”.

Thứ hai là phương pháp quản trị - ứng phó linh hoạt. Trung Quốc lãnh đạo, quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống địa phương nhưng sẵn sàng “thí điểm”, “xé rào” đúng thời điểm. Nhờ vậy, Trung Quốc đã có những tập đoàn công nghệ tư nhân rất lớn, khiến thế giới kính nể, như ByteDance, Huawei, Alibaba, BYD, SMIC... Nhưng khi cần đảm bảo định hướng chính trị, cơ chế cho phép “hãm phanh”, qua đó các nhà quản lý tiếp tục bổ sung thực tiễn mới.

Dù các công ty Trung Quốc gặp vô vàn trở ngại bên ngoài, nhưng họ rất biết cách khắc phục - nhờ mạng lưới đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau; không ngừng tìm ra cách để tiếp cận thị trường giúp hàng hóa của họ có mặt ở mọi ngóc ngách thị trường toàn cầu. Những nền tảng thương mại hiện đại, như Shein, Temu, Tiktok Shop... chứa đựng nhiều tinh hoa kinh tế đáng học hỏi.

Erik Baark, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá: “Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực học hỏi từ các quốc gia phát triển theo nhiều cách khác nhau. Và có lẽ, cũng đã đến lúc các quốc gia khác phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cần học hỏi từ những thành tựu và tiến bộ của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ”.

Trương Khắc Trà