Quản trị rủi ro tại doanh nghiệp: Vai trò của Hội đồng Quản trị ra sao?
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp trong mùa ĐHCĐ, nâng cao quản trị rủi ro với vai trò của HĐQT hiệu suất, xuyên suốt trong môi trường biến động càng được đề cao.
Theo các chuyên gia của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Hội đồng quản trị (HĐQT) của doanh nghiệp sẽ giữ vai trò trung tâm, và cần phát huy vai trò then chốt ấy trong việc định hướng và giám sát chiến lược quản trị rủi ro, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt, chủ động trước rủi ro tiềm ẩn…

Trong bối cảnh kinh doanh biến động không ngừng, chịu ảnh hưởng sâu rộng từ các yếu tố môi trường, xã hội, công nghệ và pháp lý, với những biến động rủi ro chưa từng có, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) Chủ tịch, Hội đồng Tư vấn Phát triển Thực hành Uỷ ban Kiểm toán của VIOD (ACAC) gọi đây là thế giới VUCA; Theo đó, ông khẳng định quản trị rủi ro đã và đang trở thành một trụ cột thiết yếu trong Quản trị Công ty (QTCT) hiện đại tại mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.
Để thực hiện được vai trò then chốt của HĐQT trong định hướng và giám sát chiến lược quản trị rủi ro, theo thông lệ tốt, HĐQT cần chủ động nhìn nhận, đánh giá toàn diện và xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, thực hành cơ chế giám sát rủi ro hiệu quả. Đồng thời, HĐQT cần công bố minh bạch về vai trò của mình trong giám sát và đánh giá đối với hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần đảm bảo sự hoạt động ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo dựng giá trị dài hạn cho cổ đông cũng như các bên liên quan. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các doanh nghiệp đang trong giai đoạn cao điểm của mùa Đại hội đồng cổ đông, khi mà cổ đông và các bên hữu quan đang rất quan tâm đến cách doanh nghiệp quản trị rủi ro trước những tác động đang diễn ra hiện nay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra mô hình 3 tuyến (Mô hình này được khuyến khích bởi Hiệp hội Kiểm toán Nội bộ Hoa Kỳ (IIA) và được áp dụng rộng rãi trong các tập đoàn trên toàn thế giới. Mục đích của mô hình này là nhằm kiểm tra, đánh giá và tăng cường mức độ hiệu quả của công tác quản lý rủi ro và kiểm soát tại các doanh nghiệp) cho rằng, HĐQT phải tăng cường tương tác để có thông tin phản hồi đa chiều, kịp thời (tính kịp thời).
Cùng với đó, vai trò của HĐQT phải đảm bảo quản trị rủi ro cần được tích hợp vào quyết định kinh doanh hàng ngày (rủi ro cần được kiểm soát từ đầu để kiểm toán nội bộ phát huy hiệu quả).
Ngoài ra, ông nhấn mạnh trong thực tế tại doanh nghiệp hiện nay, việc thiết lập rõ chức năng quản trị rủi ro ở cấp HĐQT phải đi cùng phân công trách nhiệm cụ thể, giao KPI cụ thể. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) hầu như chưa áp dụng đánh giá KPI đối với quản trị rủi ro ở cấp HĐQT.
Tại hội thảo Directors Talk #21 của tháng 4 với chủ đề: “Vai trò của Hội đồng Quản trị trong Quản trị rủi ro” do VIOD tổ chức, các chuyên gia cho biết theo các chuẩn mực quốc tế như Bộ Nguyên tắc QTCT G20/OECD 2023, HĐQT cần đóng vai trò trung tâm trong việc xem xét và đánh giá các chính sách và quy trình quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Nguyên tắc 7 của Bộ Nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất cũng khẳng định rõ rằng HĐQT có trách nhiệm tối hậu đối với khung quản lý rủi ro, cần giám sát việc hình thành và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ và các bộ phận kiểm soát của công ty.
Chuyên gia VIOD cũng cho biết trong khu vực ASEAN, đây là một nội dung đang được đẩy mạnh thực thi và đánh giá. Trên thực tế, việc thành lập và tổ chức Ủy ban chuyên trách về quản trị rủi ro tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo kết quả đánh giá sơ bộ của Thẻ điểm QTCT ASEAN – ACGS 2024, chỉ có 24 trên tổng số 69 doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong danh sách thành lập Uỷ ban Quản trị rủi ro và phần lớn đến từ các Ngân hàng, Công ty Chứng khoán và Bảo hiểm.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng HĐQT cần xác định rõ vai trò giám sát và định hướng chiến lược về quản trị rủi ro, xây dựng văn hóa quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Trách nhiệm này đòi hỏi HĐQT phải thường xuyên cập nhật các thay đổi pháp lý, áp dụng những chuẩn mực quốc tế tốt nhất.
.jpg)
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Giám đốc Tư vấn Deloitte Đông Nam Á cho biết trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp, để HĐQT phát huy trách nhiệm quản trị rủi ro tốt nhất, thì Ủy ban Giám sát của HĐQT phải có trách nhiệm giám sát công tác quản trị rủi ro mang tính chất hệ thống. Đồng thời quá trình triển khai chiến lược luôn tiềm ẩn rủi ro, do đó HĐQT cũng phải tham gia giám sát và xử lý các vấn đề rủi ro trọng yếu của công ty. Việc sử dụng linh hoạt cả công cụ con người và kỹ thuật sẽ giúp giám sát, xử lý, quản trị rủi ro của HĐQT hiệu quả.
Lấy ví dụ quản trị rủi ro cụ thể, như rủi ro tỷ giá trước các biến động hiện nay, ông Mạnh cho rằng Ủy ban Quản trị rủi ro phải điều phối các Ủy ban cả Tài chính lẫn phi Tài chính mới có thể hỗ trợ sâu. Theo đó, sự phối hợp giữa các Ủy ban trong quản trị rủi ro là yếu tố cần được chú trọng.
Ngoài ra, các thành viên HĐQT cũng cần nâng cao hiểu biết về các rủi ro phi tài chính như ESG hay an ninh mạng, đồng thời đảm bảo rằng hoạt động giám sát rủi ro được minh bạch, có trách nhiệm và phản ứng kịp thời với các rủi ro tiềm ẩn.