Sữa giả, thuế gian: Cú lừa kép từ một lon sữa
Không chỉ lừa người tiêu dùng bằng hàng giả, đường dây này còn qua mặt cơ quan thuế để trốn hàng chục tỷ đồng. Một lon sữa, hai cú đánh tráo trắng trợn…
Vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán 573 loại sữa bột giả gần đây không chỉ khiến người tiêu dùng sửng sốt vì quy mô lớn chưa từng có, mà còn phơi bày một lỗ hổng đáng lo ngại trong quản lý thuế và công bố sản phẩm.
Hai hệ thống sổ, một mục tiêu trốn thuế

Theo kết luận điều tra, các đối tượng cầm đầu đã thành lập hàng loạt công ty như Công ty Rance Pharma, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hacofood… để tạo ra “hệ sinh thái” kinh doanh sữa bột. Tuy nhiên, đằng sau những chiếc vỏ lon mang nhãn hiệu bắt mắt và “giấy tờ đầy đủ” là sản phẩm không rõ nguồn gốc, không kiểm nghiệm và đặc biệt, là cả một kế hoạch trốn thuế bài bản.
Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra cho thấy các doanh nghiệp trong đường dây này đã vận hành song song hai hệ thống sổ sách kế toán. Một sổ dùng nội bộ, phản ánh doanh thu và lợi nhuận thực tế; sổ còn lại dùng để báo cáo cơ quan thuế với số liệu “giảm nhẹ” đáng kể.
Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2024, Rance Pharma ghi nhận lợi nhuận thực tế hơn 102 tỷ đồng nhưng chỉ khai báo 4,7 tỷ đồng, tức để ngoài sổ sách 97,7 tỷ đồng. Tổng số tiền trốn thuế ước tính lên tới hơn 28 tỷ đồng.
Đây không chỉ là hành vi gian lận thuế đơn lẻ mà là sự cấu kết chặt chẽ giữa các pháp nhân, sử dụng nhiều công ty để “xé nhỏ dòng tiền”, che mắt cơ quan chức năng trong thời gian dài.
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân giúp đường dây sữa giả dễ dàng tung hoành là do các đối tượng đã tận dụng triệt để cơ chế “tự công bố” sản phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và cam kết, không cần kiểm nghiệm hay đánh giá chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Các sản phẩm sữa được phân phối qua nhiều kênh không chính thống như nhà thuốc nhỏ lẻ, cửa hàng sữa tư nhân và đặc biệt là nền tảng online, nơi không yêu cầu hóa đơn, không truy xuất nguồn gốc, khó kiểm tra dòng tiền.
Đây là “vùng xám” lý tưởng để doanh nghiệp vừa tiêu thụ hàng giả, vừa lẩn tránh nghĩa vụ thuế.

Trốn thuế có tổ chức, giám sát rời rạc
Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phân tích: “Nếu hạch toán đúng, lợi nhuận rất lớn, từ đó 20% thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cũng tăng vọt. Các doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một để kê khai doanh thu, chi phí thực tế phục vụ nhu cầu quản trị. Hệ thống còn lại để tối ưu hóa, giúp công ty phải nộp mức thuế thấp nhất.”, ông Tú nói, đồng thời cũng cảnh báo:
“Các đối tượng sản xuất, phân phối sữa giả thành lập hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp, có thể là dạng ‘quân xanh quân đỏ’, đưa hàng hóa bán qua, bán lại lòng vòng, thậm chí có những lô hàng bán lỗ… Đây cũng là cách để doanh nghiệp lách luật, trốn thuế.”
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Được – Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín – nhấn mạnh: “Cơ chế quản lý thuế hiện nay là quản lý rủi ro, doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm với số liệu của mình. Cơ chế này có nhiều lợi ích, nhưng doanh nghiệp lại lợi dụng khe hở từ sự thông thoáng của pháp luật để phạm luật”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, không thể chỉ coi đây là một vụ hàng giả thông thường. Vấn đề sâu xa hơn là thất bại của cơ chế giám sát cả về chất lượng lẫn tài chính. Khi một lon sữa có thể vừa đánh tráo thành phần, vừa đánh tráo nghĩa vụ thuế, thì hệ quả không chỉ là sức khỏe cộng đồng, mà còn là sự thất thoát nguồn lực quốc gia.
Theo các chuyên gia, vụ việc cần được xem như một cảnh báo mạnh mẽ để Bộ Y tế và Bộ Tài chính cùng rà soát, khắc phục triệt để những “tử huyệt” còn tồn tại trong chính sách hậu kiểm và quản lý thuế doanh nghiệp.