Kinh tế địa phương

Tỉnh Thái Nguyên gấp rút xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Kim Dung - Vũ Phường 16/04/2025 23:34

UBND tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu hoàn thành trước thời hạn dự thảo Đề án sáp nhập tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Trung ương chỉ đạo

Ngày 12/4/2025, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII đã bế mạc. Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao nội dung đề xuất nêu tại các Tờ trình, Báo cáo, Đề án thuộc nhóm công việc về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

picture1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước.

Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các quy định về công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, địa phương theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân.

Nhận diện, có biện pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây mất đoàn kết, chạy chức chạy quyền, cục bộ bè phái trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, xử lý tài sản công…

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương: về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: cấp Tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp Tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.

Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp Tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Thái Nguyên vào cuộc quyết liệt

Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp. Thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp. Ngày 09 tháng 04, năm 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

z6512110899398_7923b92ea6533234515ae4a79fb0a30c.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 95, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để cho ý kiến vào phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên (ngày 14/4/2025)

Theo Kế hoạch số 85 mới được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành về việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã nêu cụ thể các mốc thời gian cho việc sáp nhập tỉnh và sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. Việc sắp xếp sẽ được thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện lịch sử, văn hóa, dân cư, địa lý của từng địa phương.

Về xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, UBND các huyện, thành phố sẽ rà soát, đề xuất phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện gửi về Sở Nội vụ tổng hợp.

Về xây dựng Đề án sáp nhập tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ rà soát, cung cấp số liệu về diện tích, dân số ĐVHC cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và phương án sắp xếp bộ máy trước ngày 12/4/2025. Dự thảo Đề án sáp nhập tỉnh sẽ được tỉnh hoàn thành mục tiêu trước thời hạn đề ra.

Chu tich
Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Hội nghị BCH Đảng bộ UBND tỉnh lần thứ 4 nhiệm kỳ 2020 - 2025 để cho ý kiến vào dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên

Thực hiện quy trình dân chủ, tỉnh Thái Nguyên sẽ lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/4/2025, kết quả sẽ được tổng hợp và báo cáo trước ngày 22/4/2025. Hồ sơ, Đề án sắp xếp ĐVHC các cấp sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Nội vụ thẩm định trước ngày 1/5/2025.

Tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, định hướng dư luận và đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện cũng được đề cao nhằm bảo đảm ổn định tình hình. Phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, cập nhật, điều chỉnh quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, đồng bộ triển khai.

Các sở, ban, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm tiến độ thực hiện Kế hoạch số 85/KH-UBND.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên - Nguyễn Quốc Hữu cho biết, Sở được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch; tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền việc triển khai Đề án sắp xếp ĐVHC các cấp; tham mưu kiện toàn các chức danh UBND cấp xã đảm bảo hoạt động của bộ máy chính quyền cấp cơ sở theo quy định; hướng dẫn số hóa tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp; định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định; Tham mưu tổ chức thực hiện phân loại ĐVHC, công nhận xã ATK, lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.

“Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhanh chóng nhưng rất thận trọng, bảo đảm tính công tâm, khách quan và minh bạch. Quá trình sắp xếp được thực hiện trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đưa ra các phương án phù hợp, hài hòa lợi ích chung. Tỉnh cũng chú trọng giải quyết chế độ, chính sách hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ chịu tác động của quá trình sắp xếp. Nhờ cách làm bài bản, khoa học và dân chủ, Thái Nguyên đã tạo được sự đồng thuận cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

Ông Hữu cho biết thêm, Tỉnh Thái Nguyên đang chủ động xây dựng đề án để thực hiện chủ trương này của Trung ương. Quá trình xây dựng đề án của tỉnh được triển khai trên nguyên tắc chủ động, thận trọng, khoa học và minh bạch, bảo đảm sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát thực trạng tổ chức bộ máy, đánh giá tác động của việc sáp nhập và đề xuất phương án phù hợp với đặc thù địa phương. Với cách làm bài bản, chủ động, tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng sẽ thực hiện thành công chủ trương này, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Có thể nói, hướng tới xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt triển khai, thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách quan trọng. Sắp xếp ĐVHC các cấp là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh, cần chủ động, tập trung, nghiêm túc triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.

dang uy 22
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày một số nội dung dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Thái Nguyên

Ngày 16/4/2025 UBND tỉnh Thái Nguyên đã phát hành Công văn số 2597/UBND-NC về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và cử tri đại diện hộ gia đình và trình HĐND cấp huyện, cấp xã xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chủ trương sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh và trình HĐND cấp huyện, cấp xã xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chủ trương sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.

Đối tượng, phạm vi lấy ý kiến: Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình gồm cả thường trú và tạm trú.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương 19/2/2025; Căn cứ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10/11/2022; Căn cứ Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp sếp đơn vị hành chính năm 2025; Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Căn cứ Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Căn cứ Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sáp nhập; Căn cứ Kế hoạch số 238-KH/TU ngày 1/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Kết luận số 137/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; Căn cứ Thông báo số 3068-TB-TU ngày 16/4/2025 của Ban CHĐB tỉnh Thái Nguyên về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thái Nguyên và Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.

Kim Dung - Vũ Phường