Doanh nghiệp

Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức

Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khóa XV 17/04/2025 05:17

Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí DĐDN tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh vào 17/4/2025.

Thông điệp mà doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay là thể chế kinh tế phải hiệu quả hơn, tự do hơn, cạnh tranh hơn và giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động đơn thuần.

kinh_te_tu_nhan_1742348464952.jpg

Với đòi hỏi mới và sự chuyển biến liên tục, khó lường của bối cảnh hiện nay, câu chuyện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải thực sự có những điểm đột phá.

Cải cách phải mang tính bước ngoặt

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, phải coi phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Kỳ vọng đối với các doanh nghiệp tư nhân đang rất lớn. Đây là lực lượng chủ chốt không thể thay thế trong việc nâng cao nội lực của nền kinh tế.

Các chỉ đạo của Trung ương hiện đang rất mạnh mẽ, quyết liệt, mọi việc phải được tiến hành dứt khoát, nhanh chóng. Điều này cho thấy tính cấp thiết, không thể chần chừ, chậm trễ hơn được nữa trong việc đưa ra quyết sách mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nếu không muốn bỏ lỡ các cơ hội phát triển.

Cải cách lần này cần phải tạo ra bước ngoặt. Thực tiễn ở nước ta cho thấy, chỉ cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá mới tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế tư nhân. Ví dụ như cải cách đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp, đề cao quyền tự do kinh doanh, chuyển từ cấp phép sang đăng ký thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ hàng trăm giấy phép kinh doanh…, tạo cú hích lớn để hình thành lực lượng doanh nghiệp như ngày nay.

Nhiều người so sánh với khoán 10 trong nông nghiệp và ví Luật Doanh nghiệp năm 2000 như khoán 10 trong kinh doanh. Vì vậy, để cải cách mang tính bước ngoặt phải bao gồm cả giải pháp trước mắt và lâu dài, ít nhất cần ba nhóm giải pháp: (1) Nâng cao chất lượng thể chế hiện hành; (2) Kiểm soát được chất lượng quy định mới sẽ ban hành; (3) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước mắt, cấp thiết và trọng tâm trong cải cách thể chế hiện nay là nâng cao chất lượng quy định pháp luật hiện hành. Cần dựa trên tư duy và góc nhìn của doanh nghiệp để xác định các trọng tâm cải cách, có thể tư duy theo các khâu trong quá trình đầu tư kinh doanh: Từ gia nhập thị trường đến quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh và rút lui khỏi thị trường.

Các cải cách thể chế phải đáp ứng được yêu cầu đời sống thực tiễn kinh doanh. Ví dụ như cơ quan thuế và doanh nghiệp hiện mất nhiều thời gian để quyết toán thuế, xác định về vấn đề chi phí này được tính hay không được tính vào chi phí kinh doanh. Vậy sao không quán triệt nguyên tắc tất cả chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải được tính đúng, tính đủ khi tính thuế? Khi đó sẽ giảm được rất nhiều rủi ro và chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho cả nhà nước và doanh nghiệp. Hay vấn đề thanh tra, kiểm tra, cần xác định mục đích thanh tra là thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không phải vạch lá tìm sâu.

Một môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả phải là giúp, khuyến khích doanh nghiệp phát huy nội lực, có sự tự do sáng tạo trong những lĩnh vực pháp luật chưa cấm và chưa quy định đến. Những ý tưởng kinh doanh mới sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới và phần còn lại của Nhà nước là chỉ cần thúc đẩy nó. Điều này cần phải được quán triệt, áp dụng nhất quán trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Thông điệp mà doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay là thể chế kinh tế phải hiệu quả hơn, tự do hơn, cạnh tranh hơn và giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động đơn thuần. Nếu làm được điều này, tự khắc nền kinh tế sẽ tốt hơn, tăng trưởng không phải dè dặt mà sẽ có sự bứt phá. Đó là thể chế kiến tạo để nền kinh tế năng động, kéo dài tăng trưởng theo chu kỳ bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Quá trình không có điểm dừng

Cải cách thể chế là quá trình thường xuyên, liên tục không có điểm cuối cùng. Mức độ cao nhất của cải cách thể chế là phải trở thành văn hóa làm việc, trở thành nhiệm vụ thường xuyên bộ, ngành, địa phương, phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm trong việc kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp, không phụ thuộc vào có chỉ đạo hay không có chỉ đạo. Trước khi đạt được điều này thì vẫn cần có cơ chế hiệu quả để duy trì được tính thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong giai đoạn đầu của các chương trình cải cách thể chế.
Khi đặt lợi ích của doanh nghiệp, người dân và lợi ích chung của xã hội lên cao nhất trong áp dụng pháp luật thì rủi ro trong thực thi sẽ dần được xóa bỏ.

Hơn nữa, cần giảm hành chính hóa chính sách hỗ trợ, giảm cơ chế xin - cho. Thay vào đó, nên sử dụng cơ chế tự động, không cần doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký, kê khai - như cơ chế miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đồng loạt (thuế, phí, tiền sử dụng đất...). Với cách này, chi phí tuân thủ, bao gồm cả tuân thủ quy định và chi phí tiếp cận các chính sách hỗ trợ, mới có thể giảm được.

Bên cạnh đó, nên tối đa hóa việc áp dụng cơ chế thị trường trong thiết kế và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài chính, theo kết quả đầu ra để tạo sự công bằng doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu quả, hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ cơ quan Nhà nước thông qua thủ tục hành chính.

Cơ hội đột phá

Quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế thời gian qua và tới đây là rõ ràng và rất đáng trân trọng. Cơ hội để tạo ra những cải cách cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa đang rất rộng mở. Nhưng cùng với đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản trị của mình để phát triển một cách chuyên nghiệp, dài hạn và bền vững.

Câu chuyện cạnh tranh quốc tế đã rất khác so với tư duy kinh doanh hiện nay của đa phần doanh nghiệp. Giờ đây, doanh nghiệp cần bài bản hơn, dự liệu được các rủi ro bao gồm cả rủi ro pháp lý trong thủ tục, tranh chấp hợp đồng…. Chi phí hỗ trợ pháp lý cần coi là một phần chi phí kinh doanh.

Đất nước có thể vươn mình trong 2 thập kỷ tới để hiện thực hóa khát vọng 2045 hay không, phụ thuộc rất lớn vào tốc độ và hiệu quả của việc thực thi các cải cách đột phá sắp tới. Khi có môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, doanh nghiệp tư nhân sẽ vững vàng phát triển trong dài hạn và đạt được những kỳ vọng, trông đợi của nền kinh tế.

Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí DĐDN tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Diễn đàn sẽ được diễn ra vào thời gian: Từ 13h30 – 17h00, Thứ Năm, ngày 17/04/2025. Địa điểm: Phòng 201, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (cổng số 35 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội).

Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khóa XV