Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức: “Đặc thù” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí DĐDN tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh vào 17/4/2025.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Tiến Thắng – Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp siêu nhỏ.

Với nhiều chính sách quan tâm phát triển doanh nghiệp tư nhân được đưa ra, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang rất phấn khởi và tin tưởng, đặc biệt với sự ra đời của Chỉ thị số 10 ngày 25/03/2025 của Thủ tướng Chính phủ thì càng tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự ghi nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
- Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp nhưng nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này, thưa ông?
Để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, điều này hoàn toàn khả thi nhưng đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo tôi, mục tiêu này chia ra làm 2 yếu tố quan trọng:
Một là, tạo ra thêm 1 triệu doanh nghiệp mới, đây là thách thức không nhỏ. Để hiện thực hóa điều này, cần phải có các hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai là, với khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện tại, chúng ta cần phải vận động và hỗ trợ để ít nhất 1 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp chính thức.
Tuy nhiên, cần có các chính sách khuyến khích mạnh mẽ, đặc biệt là miễn thuế, giảm thuế, hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn đầu để giúp các hộ kinh doanh có thể dễ dàng chuyển đổi. Quan trọng hơn, Chính phủ cần phải có các chương trình hỗ trợ thiết thực để các hộ kinh doanh cảm thấy có lợi trong quá trình chuyển đổi.
- Như ông nói, để tạo đột phá thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp, cần chính sách đột phá, chính sách , theo ông?
Để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước hết, việc miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu và đơn giản hóa thủ tục đăng ký sẽ giúp giảm bớt lo ngại về chi phí và quy trình pháp lý. Đồng thời, cần có các gói hỗ trợ tiếp cận vốn với điều kiện linh hoạt, giúp doanh nghiệp mới duy trì hoạt động ổn định.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách giữ chân lao động, đặc biệt là lao động phổ thông trẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ.
Hiện nay, tình trạng “chảy máu” lao động phổ thông vào các lĩnh vực như xuất khẩu lao động, giao hàng, xe ôm công nghệ đang gia tăng, một phần do thiếu định hướng nghề nghiệp từ nhà trường đến chính quyền. Vì vậy, cần có các chương trình hướng nghiệp rõ ràng hơn, cùng với chính sách hỗ trợ việc làm tại địa phương, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định nhân lực, đảm bảo sản xuất và phát triển dài hạn.

- Ở góc độ Hiệp hội, theo ông cần có những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa ra sao?
Hiệp hội là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giúp truyền tải những khó khăn, kiến nghị từ thực tiễn tình hình kinh doanh đến các cơ quan quản lý, góp phần hoàn thiện chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Hiệp hội cũng chủ động có những chương trình đào tạo, tư vấn, kết nối thị trường để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí DĐDN tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Diễn đàn sẽ được diễn ra vào thời gian: Từ 13h30 – 17h00, Thứ Năm, ngày 17/04/2025. Địa điểm: Phòng 201, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (cổng số 35 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội).