Khai thác tiềm năng du lịch Hải Dương
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam năm 2025 có những dấu hiệu bùng nổ, các doanh nghiệp du lịch Hải Dương đang đặt nhiều sự kỳ vọng vào tiềm năng thu hút của địa phương.
Theo thống kê của Cục Du lịch Việt Nam, năm 2025 được dự báo là năm “bùng nổ” của ngành du lịch Việt Nam với mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế và 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, mang về doanh thu dự kiến lên đến 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
.jpg)
“Đây thực sự là “cơ hội vàng” để ngành lữ hành đổi mới sản phẩm và mở rộng thị trường. Tại Hải Dương, chúng tôi đã phối hợp với các làng nghề truyền thống để phát triển tour trải nghiệm gắn với văn hoá địa phương”, ông Nguyễn Minh Xô – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Dương đã chia sẻ.
Trên thực tế, các làng nghề truyền thống ở Hải Dương chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như: Làng nghề bánh đa Hội Yên (Ninh Giang), bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương), chiếu cói Tiên Kiều (Thanh Hà), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), cùng với đó là các làng nghề thủ công mỹ nghệ như: vàng bạc Châu Kê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách). Các làng nghề này cũng tạo thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái và du lịch làng nghề, du lịch tâm linh.
Để khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, theo ông Xô, Hiệp hội Du lịch tỉnh hải Dương đã thiết kế các tour “về nguồn” cho khách trải nghiệm quy trình sản xuất và tự tay làm sản phẩm, tạo dấu ấn cá nhân hóa. Bên cạnh đó, tour sinh thái mùa lúa chín ở Gia Lộc, vườn trái cây ở Thanh Hà và homestay tại các xã ven sông Cầu Hàn giúp du khách “chạm” thiên nhiên, “hít” văn hóa nông thôn.
“Chúng tôi đã đồng hành cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức Lễ hội Vải thiều và Festival Du lịch Nông thôn mới, tạo điểm nhấn mùa thấp điểm trước cao điểm hè, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của khách”, ông Xô cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Xô, trong bối cảnh hiện tại vẫn đang có những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh.
.jpg)
“Khi mùa cao điểm du lịch đang đến, các doanh nghiệp không nên chỉ chờ khách tìm đến mà phải xuất hiện đúng nơi, đúng lúc để tìm kiếm khách hàng. Các doanh nghiệp cũng nên nắm bắt dữ liệu này để điều chỉnh lịch chạy quảng cáo, ưu đãi đặt sớm, nhắm đúng nhóm khách gia đình và giới trẻ”, ông Xô nhận định.
Theo ông Xô, Hiệp hội Du lịch Hải Dương đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu, xây dựng thông điệp “Du lịch an toàn – Khám phá bản sắc” qua video ngắn trên TikTok, YouTube và livestream. Sự hiện diện đa kênh giúp tăng tỉ lệ nhận diện và tương tác, đặc biệt với du khách trẻ.
Đặc biệt, hợp tác liên kết giữa các nền tảng OTA và công ty lữ hành khác để tung gói combo, tạo lợi thế cạnh tranh về giá và tiện ích. “Công nghệ số và AI không chỉ là xu hướng mà là công cụ sống còn để cá nhân hóa trải nghiệm và tối ưu hoá vận hành”, ông Xô cho biết thêm.
“Bài học quý giá nhất mà chúng tôi đúc rút được từ mùa lúa chín 2024 là “hạ tầng phải song hành cùng ý tưởng”. Tour “Check‑in mùa lúa chín” năm ngoái đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách nhưng lại gặp khó về giao thông nông thôn. Năm nay, Hiệp hội phối hợp với UBND các huyện nâng cấp đường giao thông, cải thiện biển chỉ dẫn và dịch vụ hỗ trợ, đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho du khách”, ông Xô nhấn mạnh.
Nhìn chung, năm 2025 là “cơ hội vàng” nhưng cũng là thách thức chưa từng có cho doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Trong bối cảnh tỉnh Hải Dương sắp sáp nhập với TP Hải Phòng theo Nghị quyết 60‑NQ/TW ngày 12/4/2025, có thể sẽ mở ra cơ hội hợp lực về hạ tầng, nhân lực và quảng bá điểm đến chung cho cả vùng. Đồng thời, công nghệ số và AI cũng mở ra kỷ nguyên cá nhân hoá, trong khi phát triển bền vững là cam kết không thể thiếu để bảo vệ tài nguyên du lịch. Doanh nghiệp cần kết hợp chiến lược sản phẩm đặc sắc, dữ liệu khách hàng thông minh và trách nhiệm xã hội để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.