Thông tin doanh nghiệp

“Bước dài” ra biển lớn của Cảng Hải Phòng

Thu Duyên - Nguyễn Chuẩn 17/04/2025 12:43

Với việc hợp tác cùng “ông lớn” vận tải biển MSC khai thác các chuyến tàu thương mại tại cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, Cảng Hải Phòng đang tiến những “bước dài” ra biển lớn.

Chiều 16/4 , chuyến tàu thương mại đầu tiên mang tên MSC MAKALU III, thuộc tuyến dịch vụ Orchid của hãng tàu MSC, đã chính thức cập bến tại cầu số 3,4 của Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng (HTIT). Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho hoạt động khai thác chính thức của cảng container quốc tế mới tại cụm cảng nước sâu Lạch Huyện, khu vực Cát Hải, Hải Phòng.

cang3(1).jpg
Chuyến tàu thương mại đầu tiên mang tên MSC MAKALU III, thuộc tuyến dịch vụ Orchid của hãng tàu MSC, đã chính thức cập bến tại cầu số 3,4 của Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng (HTIT). Ảnh Thu Duyên.

Sự kiện không chỉ đánh dấu lễ khai trương thương mại chính thức của cảng container nước sâu tại cụm cảng Lạch Huyện mà còn đưa thị phần container của Cảng Hải Phòng lên mức 40% tại khu vực, bên cạnh 60% thị phần hàng ngoài container, một bước tiến mang tính lịch sử của doanh nghiệp cảng biển miền Bắc.

Sức bật từ Cảng Quốc tế TIL

Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng (HTIT) tọa lạc tại khu vực Lạch Huyện, Cát Hải, được thiết kế để đón những siêu tàu container tải trọng lớn, tạo đòn bẩy đưa Hải Phòng thành cửa ngõ hàng hải quốc tế của Việt Nam. HTIT là thành viên mới nhất trong hệ sinh thái gồm bến cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Đình Vũ, Tân Vũ và HTIT do Công ty CP Cảng Hải Phòng quản lý, với tổng sản lượng container qua cảng tăng mạnh trong năm 2024, đạt hơn 29,9 triệu TEU, tăng 21% so với cùng kỳ. Khi HTIT khai thác toàn bộ công suất, Hải Phòng sẽ củng cố vị thế “đầu tàu” phía Bắc, giảm tải cho các cảng truyền thống, đồng thời nâng cao khả năng kết nối với các tuyến dịch vụ biển quan trọng như Orchid của MSC.

Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, lãnh đạo Cảng Hải Phòng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư, công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, chúng tôi đã hoàn thành việc đưa giai đoạn 1 của bến cảng số 3, số 4, Cảng Hải Phòng vào khai thác. Bến cảng số 3, số 4 được đầu tư một cách bài bản với công nghệ tiên tiến”.

“Để khai thác hiệu quả bến số 3, số 4, chúng tôi đã thành lập công ty liên doanh giữa cảng Hải Phòng với Tập đoàn Khai Thác Cảng TIL của hãng tàu MSC, hãng vận tảu biển số 1 thế giới. Và chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho tất cả các bên. Với cảng Hải Phòng, đây là lần đầu tiên và chính thức chúng tôi đã tiến một “bước dài” ra biển lớn, mang theo khát vọng của bao thế hệ của cán bộ công nhân viên cảng Hải Phòng”, đại diện Cảng Hải Phòng cho biết thêm.

Hợp lực cùng “ông lớn” MSC

Mediterranean Shipping Company (MSC) là tập đoàn vận tải container lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1970 tại Naples, Italia, với trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Đến tháng 11/2024, MSC sở hữu và thuê tàu với tổng sức chở lên tới gần 6 triệu TEU, trong đó 3,2 triệu TEU thuộc sở hữu trực tiếp và 2,98 triệu TEU tàu thuê, giúp hãng kiểm soát khoảng 20% thị phần container toàn cầu. Hơn 900 tàu vận tải hàng hoá, 215 tuyến dịch vụ và mạng lưới 524 văn phòng tại 155 quốc gia đã tạo nên lợi thế vượt trội cho MSC trong hành trình kết nối các châu lục và phát triển dịch vụ logistics tích hợp.

cang1(1).jpg
Bến cảng số 3, số 4 của cảng Hải Phòng được liên doanh giữa cảng Hải Phòng với Tập đoàn Khai Thác Cảng TIL của hãng tàu MSC. Ảnh Thu Duyên.

Việc MSC quyết định đưa tàu MAKALU III ghé HTIT không chỉ là cam kết đầu tư vào thị trường Việt Nam mà còn là tín hiệu cho thấy cảng Hải Phòng đủ sức hòa nhập với mạng lưới dịch vụ tuyến dài của các hãng tàu hàng đầu thế giới. Thuộc tuyến dịch vụ Orchid chuyên vận chuyển giữa Châu Âu – Châu Á, MAKALU III là ví dụ điển hình cho xu hướng sử dụng tàu “siêu trọng” trên các hành trình dài, giúp tối ưu chi phí và thời gian giao nhận.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển đạt 864,4 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng container đạt 29,9 triệu TEU, tăng 21%, cho thấy nhu cầu vận chuyển container ở Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục. Số lượt tàu biển qua cảng lên tới 102,67 nghìn lượt, tăng 2%, cùng với đội tàu thủy nội địa đạt 380,1 nghìn lượt, tăng 8%.

Đặc biệt, khối lượng hàng hóa do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển tăng 3%, đạt 140,9 triệu tấn; riêng container nội địa đạt 3,04 triệu TEU, tăng 11% so với năm 2023. Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC, khẳng định, với đà tăng trưởng này, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng sánh ngang Singapore trong tương lai gần.

Trong khi đó, Hải Phòng với lợi thế cảng nước sâu Lạch Huyện, dễ dàng kết nối đường bộ và đường sắt đến trung tâm Hà Nội, có tiềm năng trở thành trung tâm logistics lớn của Đông Nam Á. Tuy nhiên, cảng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng nội cảng, mở rộng vùng chứa, số hóa quy trình thông quan và tăng sức cạnh tranh dịch vụ giá trị gia tăng. Về phía doanh nghiệp, việc liên kết chặt với các hãng tàu lớn như MSC, Maersk hay CMA-CGM sẽ đảm bảo nguồn hàng ổn định và đa dạng tuyến dịch vụ, giảm rủi ro phụ thuộc đơn lẻ.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển khu logistics kết hợp cơ chế một cửa quốc gia, phát triển nguồn nhân lực vận tải biển và logistics… là những yếu tố quyết định để Hải Phòng không chỉ giữ vững mà còn gia tăng thị phần, hướng tới mục tiêu 50 triệu TEU/năm vào giữa thập kỷ. Sự hợp tác đa phương với các định chế tài chính quốc tế để huy động vốn xây dựng hạ tầng xanh (cầu cảng bến dầu LNG, điện bờ cho tàu) sẽ giúp cảng giảm phát thải, thích ứng quy định môi trường khắt khe của IMO.

Nhìn chung, sự kiện MSC MAKALU III cập bến HTIT không chỉ là dấu mốc khẳng định năng lực tiếp nhận siêu tàu của Cảng Hải Phòng mà còn là lời khẳng định về tham vọng “ra biển lớn” của toàn ngành cảng biển Việt Nam. Để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh bền vững, cần sự liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế trong đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.

Thách thức là lớn, nhưng cơ hội cũng không kém phần rộng mở, nếu Hải Phòng biết tận dụng thời điểm vàng này, cảng biển miền Bắc sẽ không chỉ là điểm dừng chân của “ông lớn” MSC mà còn là động lực tăng trưởng, đưa Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế.

Thu Duyên - Nguyễn Chuẩn