Chính sách - Quy hoạch

Công nghiệp đô thị và đô thị thông minh: Bài học từ Hàn Quốc và gợi mở cho Việt Nam

Diệu Hoa 17/04/2025 14:11

Tại Hội nghị CICON Vietnam 2025, những kinh nghiệm quý báu từ Hàn Quốc đã mang lại nhiều góc nhìn thực tiễn cho hành trình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội nghị CICON Việt Nam 2025 (Hội nghị hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam), ông Choi Min Ho – Thị trưởng thành phố Sejong cho hay, chỉ trong vòng 60 năm, từ một quốc gia nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành thành viên của nhóm G7 mở rộng, đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp – công nghệ.

c6ffc4201ef9ada7f4e8.jpg
Hội nghị hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam - CICON 2025. Ảnh: DH

Bài học từ Hàn Quốc

Những thành phố hiện đại như Seoul, Busan, Incheon và đặc biệt là Sejong ngày nay là minh chứng sống động cho khát vọng phát triển bền bỉ và tầm nhìn xa trông rộng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cũng mang đến những hệ quả tất yếu. Dân số tại nhiều đô thị Hàn Quốc đang suy giảm, tỷ lệ già hóa cao hơn cả Nhật Bản và Vương quốc Anh, đồng thời chịu áp lực ngày càng lớn từ môi trường và không gian sống chật hẹp. Theo ông Choi, chìa khóa để vượt qua thách thức hiện tại là hướng tới sự phát triển cân bằng – không chỉ về kinh tế, mà còn về xã hội và môi trường.

Sejong, với vị thế là trung tâm hành chính quốc gia và “thủ đô thứ hai” của Hàn Quốc, được thiết kế như một hình mẫu về phát triển đô thị tương lai. Thành phố có hệ thống giao thông thuận lợi, quy hoạch bài bản và được định hướng trở thành một khu vườn đô thị – nơi giao thoa giữa công nghệ, sinh thái và con người.

Ông Choi nhấn mạnh, Sejong đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ AI để xây dựng mô hình đô thị thông minh toàn diện. AI không chỉ hỗ trợ phân tích và dự đoán các vấn đề đô thị như giao thông, môi trường, mà còn giúp tối ưu hóa hoạt động vận hành các khu phức hợp đô thị.

Một điểm nổi bật trong quy hoạch Sejong là hệ sinh thái tự nhiên được tích hợp ngay từ đầu: các dòng sông, công viên và không gian công cộng kết nối liền mạch tạo nên một môi trường sống trong lành, thuận tiện, khuyến khích cư dân tương tác và gắn bó với thành phố. Đây là một hướng đi đầy cảm hứng mà các đô thị Việt Nam có thể học hỏi trong quá trình tái thiết và mở rộng.

ava.jpg
Các thành phố tại Hàn Quốc đã và đang ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển công nghiệp đô thị. Ảnh: DH

Trong khi đó, thành phố Hanam – một trong những đô thị tăng trưởng nhanh nhất Hàn Quốc lại chú trọng vào yếu tố con người. Ông Lee Hyeon-jae – Thị trưởng thành phố Hanam cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến Hanam đứng trước những thách thức lớn trong việc kết nối và phục vụ người dân. Để giải quyết, thành phố đã triển khai hàng loạt cải cách hành chính mang tính đột phá.

Điển hình là mô hình “văn phòng lưu động” được thành lập, nơi chính quyền chủ động đến gặp gỡ người dân, lắng nghe phản ánh và giải quyết các thủ tục ngay tại chỗ. Đồng thời, Hanam hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu để đo lường năng lực phục vụ của bộ máy hành chính thông qua đánh giá định kỳ mỗi 6 tháng, nhằm đảm bảo người dân được phục vụ với chất lượng tốt nhất.

Không chỉ vậy, Hanam còn đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, gắn kết cộng đồng, tạo nên một không gian đô thị không chỉ hiện đại mà còn đầy bản sắc và cảm xúc.

Công nghiệp đô thị – Nơi hội tụ công nghệ, thể chế và con người

Tại tọa đàm về công nghiệp đô thị, ông Lee Hyeon-jae gợi ý Hà Nội có thể áp dụng AI để điều phối giao thông – một trong những vấn đề nan giải của đô thị lớn.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng rào cản lớn nhất chính là thể chế và pháp lý. “Hàn Quốc đã có những cải cách sâu rộng về pháp lý để mở đường cho công nghệ mới. Việt Nam cũng có thể học hỏi điều đó, đồng thời chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài để thúc đẩy chuyển giao công nghệ,” ông Lee chia sẻ.

hoi nghi
CICON Vietnam 2025 với sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành, thành phố, doanh nghiệp từ Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: DH

Về phía Việt Nam, ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch Tập đoàn TRV cho rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng khung năng lực quốc gia cho ngành xây dựng. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực kỹ sư trong nước, mà còn là tiền đề để công nhận bằng cấp, năng lực kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng – đô thị.

CICON Vietnam 2025 không chỉ là diễn đàn chia sẻ công nghệ và mô hình thành công, mà còn là nơi định hình những định hướng lớn cho tương lai đô thị Việt Nam. Những kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy rằng, đô thị thông minh không thể chỉ dựa vào công nghệ, mà cần cả một hệ sinh thái gồm con người, thể chế, tư duy phát triển bền vững và sự kết nối giữa các lĩnh vực.

Đối với các doanh nghiệp, đây chính là thời điểm vàng để đồng hành cùng chính quyền, đầu tư vào công nghệ, thiết kế đô thị, hạ tầng số và nguồn nhân lực – những yếu tố cốt lõi để kiến tạo nên những đô thị thông minh, đáng sống, và có khả năng thích ứng linh hoạt trước tương lai đầy biến động.

Diệu Hoa