Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2025: Động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Diễm Ngọc - Ảnh: Tuấn Ngọc 17/04/2025 17:39

Niềm tin, chính sách hỗ trợ, xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nội địa bền vững, chỉ dẫn địa lý và sẵn sàng thay đổi... là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 17/4/2025, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban quản trị, đảm bảo hoạt động và danh tiếng công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ theo số liệu năm 2024, tổng vốn đầu tư của kinh tế tư nhân chiếm 55,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương ứng với Kinh tế Nhà nước là 27,6%, doanh nghiệp FDI là 16.5%. Sự khẳng định của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư và Chính Phủ, doanh nghiệp tư nhân là động lực chính để phát triển kinh tế và có các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân là đúng đắn.

ongduyhungtanhiepphat.jpg
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban quản trị, đảm bảo hoạt động và danh tiếng công ty Tân Hiệp Phát.

Trước các chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính Phủ, Tân Hiệp Phát đưa ra các ý kiến đóng góp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, mục tiêu xây dựng, phát triển doanh nghiệp không chỉ hướng đến từng doanh nghiệp đơn lẻ, làm giàu cho từng doanh nhân. Mục tiêu lớn là đóng góp vào sự phát triển của Quốc gia, đảm bảo sự tự lực, tự cường về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với bối cảnh các biến động về chính trị, kinh tế diễn ra khó lường như hiện nay, doanh nghiệp và Quốc gia đều cần chủ động chuẩn bị cho mọi tình huống.

Chính sách phát triển doanh nghiệp nội địa đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế tự chủ, bền vững và gia tăng giá trị nội địa như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc …

Mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt luôn gắn liền với tối ưu hóa lợi ích của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị Việt Nam, tối ưu hóa lợi ích của Quốc gia. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với Năng lực cạnh tranh của Quốc gia.

Cùng với mục tiêu phát triển những những doanh nghiệp lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cần xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc – những doanh nghiệp nội địa gắn bó với lợi ích của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thứ hai, niềm tin là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp cần có niềm tin vào sự ổn định, nhất quán, dễ dự đoán, minh bạch, công bằng, có khả năng thực thi của chính sách.

Doanh nghiệp và các bên liên quan (từ đối tác, khách hàng, người lao động đến cổ đông) cần có niềm tin với nhau. Thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp luôn là sự bảo chứng cho chất lượng với người tiêu dùng, người tiêu dùng cần có niềm tin vào sản phẩm/dịch vụ mà mình sử dụng sẽ có chất lượng tốt, an toàn, giá cả phù hợp. Doanh nghiệp cần có niềm tin vào chính bản thân mình khi đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có niềm tin. Nhà nước tin tưởng vào sự tuân thủ, minh bạch, trách nhiệm và năng lực của doanh nghiệp. Từ đó, Nhà nước tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm cấp phép, giảm thanh tra, kiểm tra, tăng quyền tự chủ và để cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, giao cho doanh nghiệp các dự án quan trọng.

“Cùng nhìn nhận bối cảnh có 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp 30% GDP và 9 triệu việc làm. Nhiều hộ kinh doanh này không chịu lớn, không phát triển thành doanh nghiệp do e ngại thuế và chi phí tuân thủ cao, không sẵn sàng mở rộng kinh doanh, không thấy rõ các lợi ích khi chuyển thành doanh nghiệp, ngại thay đổi vì các rủi ro không lường trước.

Trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam có rất ít những thỏa thuận trung và dài hạn trong việc cung cấp nguyên vật liệu hay dịch vụ, hầu hết chì làm từng lần hoặc từng năm, điều đó gây khó khăn cho cả hai bên vì không thể lập được kế hoạch đầu tư, kinh doanh chính xác cho trung, dài hạn.

Với niềm tin của mình, 30 năm qua, Tân Hiệp Phát luôn có tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, liên tục phát triển, dùng toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, với hơn 300 triệu USD cho 12 dây chuyền Aseptic hiện đại nhất thế giới và 8 nhà máy, tạo công ăn việc làm và đóng góp ngân sách”, ông Hưng cho biết.

toancanh3(1).jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng chất lượng Quốc gia (NQI). Dù có nhiều nỗ lực thay đổi, hiện vẫn còn sự khác biệt giữa hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và thế giới. Những tiêu chuẩn chất lượng được chấp nhận tại Việt Nam không đồng nghĩa với việc đạt tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc tại các thị trường khác trên thế giới.

Có nhiều tiêu chuẩn chất lượng trên thế giới bắt buộc áp dụng nhưng tại Việt Nam thì chưa. Nhiều người đã đặt tên cho vấn đề này là “chuẩn nội – lệch chuẩn ngoại”. Các sản phẩm được công bố, dán nhãn đạt tiêu chuẩn thì nhiều trường hợp không đúng thực tế. Nhiều sản phẩm trôi nổi, bán tại chợ truyền thống thì không có nhãn mác, không nguồn gốc. Hàng giả, hàng nhái thương hiệu có chất lượng thực tế thấp vẫn tồn tại.

Hạ tầng chất lượng quốc gia là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật nhằm triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng ở từng quốc gia.

NQI giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường. NQI đẩy mạnh sự thừa nhận của thị trường quốc tế với sản phẩm Việt Nam, giảm rào cản kỹ thuật trong thương mại, giúp hàng hóa và dịch vụ của quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), trong đó khoảng 62% đã được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IEC. ​Các quốc gia như Singapore, Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.

Tân Hiệp Phát hiện đang áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng khắt khe trên thế giới cho hoạt động của mình như: Hệ thống tiêu chuẩn về thực phẩm theo Luật Hồi giáo – HALAL FOOD; Chứng nhận của cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ - FDA …

Chuẩn mực chất lượng cao bảo vệ người tiêu dùng, buộc nhà sản xuất phải tuân thủ, tác động ngược đến người trồng nguyên liệu, nhà cung cấp, nhà phân phối. Vận động viên muốn thi đấu ở giải thể thao thành tích cao thì phải có tập luyện với cường độ cao, tiêu chuẩn cao với mục tiêu tương thích với giải đấu đó”, ông Hưng nhấn mạnh.

Thứ, về xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị Việt Nam. Chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm nhiều thành phần, từ nhiều quốc gia khác nhau tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng.

Chuỗi giá trị toàn cầu hướng đến chuyên môn hóa, tối ưu hóa lợi ích của các bên tham gia từ trồng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển, cung cấp máy móc thiết bị, xây dựng, sản xuất, vận tải, phân phối… Các thành phần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu liên tục phải cải tiến, thích ứng để cạnh tranh để không bị thay thế bời doanh nghiệp khác có sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn. Từng doanh nghiệp chỉ có thể trở thành nhà cung cấp hoặc phân phối trong chuỗi giá trị toàn cầu khi mang lại lợi ích lớn hơn cho đối tác so với doanh nghiệp khác.

Có thể nói tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu không nên chỉ nhìn ở xuất khẩu. Chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm cả thị trường Việt Nam vể mặt địa lý. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động ở trong nước, không kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng không sử dụng đầu vào nhập khẩu. Chuỗi giá trị toàn cầu có thể xâm nhập vào các lĩnh vực này và có thể chúng ta sẽ thua trên sân nhà nếu không có chuẩn bị cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế nhiều mặt hàng nhập khẩu, các sàn thương mại điện tử đa quốc gia đã gây khó khăn cho hoạt động bán lẻ và sản xuất trong nước.

Thực tế, bảo hộ thương mại không phải là giải pháp lâu dài và còn liên quan đến các mối quan hệ song phương, đa phương. Chúng ta chỉ có một cách duy nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết với chuỗi cung ứng, chuỗi lợi ích Việt Nam. Muốn xây dựng các chuỗi cung ứng, lợi ích trong nước, cần có sự xem xét với từng ngành, từng lĩnh vực, trung tâm là các doanh nghiệp lớn, cùng với người lao động, nông dân, các nhà cung cấp, phân phối. Trong đó, quan trọng nhất là 5 triệu hộ gia đình, đây chính là nền tảng của kinh tế tư nhân, vì lực lượng này rất năng động.

Chuỗi cung ứng, chuỗi lợi ích này gắn kết với nhau trên cơ sở niềm tin, tiêu chuẩn cao, lợi ích lâu dài thì sẽ tạo nên một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự cường, có khả năng chống chịu cao, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu. Độc lập, tự cường không có nghĩa là tách rời khỏi thế giới, mà là đủ nội lực để chủ động hội nhập, chủ động thích ứng. Mỗi thành viên trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sẽ là một viên gạch xây nên nền kinh tế độc lập, tự cường.

Mục tiêu cuối cùng của nâng cao năng lực cạnh tranh, sự gắn kết là để bảo vệ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị tại thị trường Việt Nam, hội nhập sâu và tối ưu hóa giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam qua từng sản phẩm chính là năng lực cạnh tranh của cả chuỗi cung ứng, chuỗi lợi ích.

Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có lợi cho sức khỏe, nguyên liệu đầu vào bắt đầu từ trà và thảo mộc do bà con nông dân trồng. Chuỗi lợi ích gắn kết với Tân Hiệp Phát gồm nông dân, hàng ngàn nhà cung cấp, 700.000 điểm phân phối sản phẩm, thường xuyên duy trì từ 3.500 - 4.000 lao động trực tiếp. Hầu hết chi phí đầu vào đều được chi dùng ở trong nước.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra chiều ngày 17/4 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra chiều ngày 17/4 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Thứ năm, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo, công nghệ, con người… thì cần tận dụng những ưu thế sẵn có để tạo nên lợi thế.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc địa phương tương ứng với uy tín, chất lượng hoặc đặc tính nhất định do điều kiện địa lý của địa phương đó quyết định. Việt Nam có nhiều sản phẩm phẩm có chỉ dẫn địa lý, có chất lượng đặc trưng, là ưu thế so với các sản phẩm có nguồn gốc từ nơi khác. Tính đến tháng 8/2024, Việt Nam đã bảo hộ 141 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản vùng miền, bao gồm: Nông sản và trái cây (Vải thiều Lục Ngạn -Bắc Giang, Nhãn lồng Hưng Yên, Gạo ST - Sóc Trăng …); Thủy sản và sản phẩm chế biến (Nước mắm Phú Quốc, Nước mắm Phan Thiết, Chả mực Hạ Long ...); Thủ công mỹ nghệ và đặc sản địa phương (Nón lá Huế, Gốm Bát Tràng, Kẹo dừa Bến Tre …​).

Tuy nhiên, đến hết năm 2024, Việt Nam chỉ có 41 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường quốc tế, bao gồm 39 sản phẩm tại EU và 2 sản phẩm tại Nhật Bản.​

Cần có chính sách, định hướng để xác định rõ các sản phẩm có nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý Việt Nam để đăng ký bảo hộ, qua đó xây dựng thương hiệu để đưa các sản phẩm Việt Nam ra thị thường quốc tế.

Thứ sáu, về việc chọn đối tác khi hội nhập. Quá trình hội nhập sẽ có nhiều cơ hội và rủi ro. Một trong những cơ hội là Việt Nam có thể tiếp cận ngay với các thành tựu của thế giới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến những đối tác lớn, có năng lực, có uy tín trên thế giới và xây dựng một mối quan hệ bền vững, lâu dài. “Đứng trên vai những người khổng lồ” giúp chúng ta phát triển nhanh hơn, tiết kiệm thời gian.

Qua 30 năm phát triển, để có các thành tựu như hiện nay, THP đã và đang hợp tác với những đối tác lớn nhất thế giới về công nghệ, nguyên liệu trong ngành đồ uống: GEA (Đức), KRONES (Đức), HUSKY (Canada), BRENNTAG (Đức), TAKASAGO (Nhật) …

Thứ bảy, sẵn sàng thay đổi, chấp nhận cắt lỗ, tận dụng cơ hội khi biến động. Sự biến động của thị trường đem lại nhiều rủi ro, chiến tranh – mâu thuẫn thương mại giữa các nước sẽ dẫn đến sự thay đổi về giá thành sản phẩm, rào cản thương mại, sự dịch chuyển về đầu tư, lao động. Quá trình thay đổi không hề dễ dàng, có thể gây thiệt hại cho từng thành viên của thị trường. Không có cách khác, cần sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chấp nhận cắt lỗ để dịch chuyển. Tối thiểu hóa thiệt hại khi có biến động, rủi ro cũng là tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, thị trường có biến động có thể là rủi ro với người này nhưng lại là cơ hội với người khác. Cần tận dụng, không nên bỏ qua khi có cơ hội thuận lợi trong biến động.

Nhà nước hướng đến các mục tiêu chung của Quốc gia, dân tộc. Doanh nghiệp kinh doanh vì chính mình và thực hiện các trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng mục tiêu của Nhà nước.

“Đến nay, Tân Hiệp Phát đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư công nghệ, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân sự, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững,… để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực thi các trách nhiệm xã hội.

Chúng tôi kiến nghị tạo dựng chính sách chung cho thị trường, tạo môi trường kinh doanh có niềm tin, có tiêu chuẩn cao, cạnh tranh công bằng nhằm nâng cao thương hiệu Việt, giá trị Việt. Đồng thời có chính sách phát triển các doanh nghiệp dân tộc mạnh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi lợi ích Việt Nam. Qua đó đảm bảo sự tự lực, tự cường về kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong mọi trường hợp.

Tân Hiệp Phát tin rằng, khi Đảng – đứng đầu là Tổng Bí thư, Chính Phủ - đứng đầu là Thủ tướng, đã nhìn nhận rõ các tồn tại và thực sự mong muốn, quyết tâm thay đổi thì chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Kinh tế tư nhân không chỉ là động lực chính để phát triển kinh tế qua các con số, kinh tế tư nhân còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phụng sự”, ông Nguyễn Duy Hưng bày tỏ.

Diễm Ngọc - Ảnh: Tuấn Ngọc