Làm rõ các hạn chế đầu tư của doanh nghiệp nhà nước
Nhiều ý kiến đề nghị, cần làm rõ các quy định hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa tránh thất thoát, lãng phí.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo. Dự thảo đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo gồm có 09 chương 63 Điều, tăng 01 Chương so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo báo cáo của Chính phủ, Dự thảo chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vấn đề về hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; về thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp; về quyết định tiền lương; về lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ; về các nội dung người đại diện phần vốn nhà nước; về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; về bảo toàn và phát triển vốn...
Liên quan tới hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong Dự thảo và đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các ngành, nghề doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, kinh doanh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần quy định quy định cụ thể hơn các trường hợp hạn chế đầu tư khác đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tránh gây thất thoát.
“Đây không phải là nội dung mới mà đã được kế thừa từ luật hiện hành. Tuy nhiên, những hạn chế đầu tư có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng từng trường hợp để vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất, vừa bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo đúng quan điểm của Đảng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị rà soát, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu kỹ các bài học về việc giải quyết các vấn đề về xử lý các dự án lớn tồn đọng, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn để quản lý chặt chẽ, không xảy ra thất thoát, lãng phí.
Đối với những vấn đề lớn, vấn đề mới, vượt thẩm quyền của Quốc hội, chưa rõ tính tuân thủ, sự phù hợp với chủ trương của Đảng cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội, như phạm vi đầu tư vốn nhà nước, chính sách tiền lương của doanh nghiệp, các trường hợp hạn chế đầu tư. Những vấn đề xin ý kiến cấp có thẩm quyền phải thuyết minh rõ lý do, căn cứ nội dung ý kiến và các nội dung xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục kế thừa các quy định hợp lý từ luật hiện hành, đánh giá kỹ tác động để tránh tạo ra vướng mắc, bất cập mới; đảm bảo luật phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời bao quát được các vấn đề mới, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong mối quan hệ với đầu tư vốn nhà nước.
Đặc biệt, đối với các quy định hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần nghiên cứu để quy định rõ ràng, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp, trong đó lưu ý tới ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung này. Ngoài ra, cần rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác và các luật đang sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không để vướng mắc khi thực hiện, như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng… Đồng thời, cân nhắc nghiên cứu theo hướng luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2025, vì hiện nay luật đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung; các văn bản hướng dẫn luật chưa được dự thảo để thi hành luật từ ngày 1/7/2025.