Giá vàng liên tục lập đỉnh: Có nên "đặt cược" vào cuộc đua vàng?
Trong bối cảnh môi trường đầu tư đang có nhiều bất ổn, sự đa dạng tài sản quan trọng hơn là nhà đầu tư đặt cược một lớp tài sản. Vàng với quá trình tăng giá kéo dài có trong danh mục?
Giá vàng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, kéo dài như một "mùa xuân" rực rỡ đối với các nhà đầu tư. Những chính sách của Tổng thống Trump đã tạo ra sự bất ổn, góp phần duy trì sức hút của vàng. Là tài sản trú ẩn an toàn trong các giai đoạn suy thoái, vàng đang được hưởng lợi từ nguy cơ suy thoái gia tăng và những biến động thất thường của nền kinh tế.

Theo khảo sát tháng 4/2025 của Bank of America (BofA) đối với các nhà quản lý quỹ toàn cầu, vàng đã vượt qua nhiều tài sản khác để trở thành lựa chọn hàng đầu, đặc biệt sau các chính sách thuế đáp trả của ông Trump.
Trong lịch sử, đồng USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ thường được xem là tài sản trú ẩn an toàn bên cạnh vàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lo ngại về các vấn đề nội tại của nước Mỹ, cùng nguy cơ Nhật Bản hoặc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ để đáp trả trong cuộc chiến thương mại, đã làm giảm sức hấp dẫn của USD và trái phiếu Mỹ, đồng USD hiện chạm mức thấp nhất trong 3 năm. Điều này khiến vàng gần như không có đối thủ cạnh tranh trong vai trò tài sản trú ẩn, tương tự giai đoạn thập niên 1970-1980.
Dòng tiền đang đổ mạnh vào các quỹ ETF vàng, trong khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở châu Á như Trung Quốc, đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ bằng vàng. Các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs và UBS liên tục nâng dự báo về giá vàng. Tuy nhiên, dù triển vọng dài hạn tích cực, giá vàng thường biến động mạnh trong nửa sau của chu kỳ thập kỉ, đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng.

Vàng trong bức tranh đầu tư
Nhiều nhà đầu tư có xu hướng chạy theo các tài sản đang tăng giá mạnh, bán tháo những tài sản thua lỗ vì cảm xúc, dẫn đến các quyết định thiếu chiến lược dài hạn. Lịch sử đầu tư, cả ở Việt Nam và quốc tế, cho thấy việc cắt lỗ một tài sản đang giảm giá để chuyển sang tài sản đang “nóng” thường đẩy nhà đầu tư vào “bẫy lỗ kép” – rủi ro lớn nhất trong quá trình xây dựng tài sản.
Trong bối cảnh thị trường biến động, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư quan trọng hơn bao giờ hết. Thay vì tập trung toàn bộ vốn vào cuộc “đua” mua vàng, nhà đầu tư nên phân bổ tài sản một cách đa dạng hợp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống và duy trì hiệu quả đầu tư dài hạn. Điều chỉnh tỷ trọng các lớp tài sản là cần thiết, nhưng cần thực hiện trong giới hạn hợp lý để đảm bảo danh mục ổn định, giúp nhà đầu tư yên tâm và đạt hiệu quả bền vững. Việc điều chỉnh này cũng cần được thực hiện theo kế hoạch và tránh những lúc nóng sốt theo đám đông.
Bài học rút ra là sự đa dạng hóa giữa các lớp tài sản, chứ không chỉ trong một phân khúc, đóng vai trò then chốt trong việc đối phó với biến động lớn của các yếu tố vĩ mô.
Siêu chu kỳ thứ 3 có tiếp diễn?
Khả năng xảy ra một siêu chu kỳ mới của vàng vẫn khá cao, với những điểm tương đồng về bất ổn địa chính trị và rủi ro kinh tế so với hai chu kỳ trước. Các siêu chu kỳ thường kéo dài khoảng 10 năm, và chu kỳ hiện tại đang bước vào năm thứ 6.

Tuy nhiên, bất ổn luôn khó lường, và lịch sử không nhất thiết lặp lại. Giá vàngthường biến động mạnh hơn ở giai đoạn sau của chu kỳ, dễ dẫn đến tâm lý “tranh mua” khi giá tăng nóng và “tranh bán” khi giá giảm mạnh. Đặc biệt, sự bất thường của ông Trump cũng dễ khiến vàng trải qua các đợt giảm giá mạnh trên nền giá đã tăng mạnh trước đó.
Những quyết định chạy theo đám đông hiếm khi mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Thay vào đó, một chiến lược phân bổ tài sản đa dạng sẽ giúp tận dụng tốt hơn cơ hội từ chu kỳ vàng - ở đó vẫn sẽ có nhiều cơ hội để phân phổ và nên tận dụng các đợt điều chỉnh giá. Khi đó, vàng mới mang lại sự an tâm cho nhà đầu tư trong dài hạn và tránh được các rủi ro như đã từng ở các giai đoạn 2 năm sau chu kỳ (1981-1982 và 2012-2013).