Thị trường vàng

Giá vàng lập đỉnh lịch sử, USD rơi tự do

Diễm Ngọc 18/04/2025 04:05

Trong bối cảnh trái phiếu Mỹ và USD bị bán tháo đồng loạt, giá vàng tăng vọt lên 3.300 USD/ounce phản ánh làn sóng lo ngại rủi ro tài chính toàn cầu đang gia tăng.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh, nhiều nhà đầu tư cũng đặt ra câu hỏi vì sao trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD lại bị bán tháo, trong khi giá vàng vọt lên mức 3.300 USD/ounce. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy một rủi ro hệ thống đang âm thầm hình thành, hay chỉ là phản ứng tức thời trước các yếu tố kinh tế ngắn hạn?

đồng USD
Chỉ số DXY giảm không đơn thuần là chỉ số kỹ thuật, mà là dấu hiệu đồng USD đang yếu đi rõ rệt so với các đồng tiền giao dịch toàn cầu chính

Theo dữ liệu của Bloomberg, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vừa ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2001. Điều này xảy ra khi nhà đầu tư đồng loạt rút tiền khỏi trái phiếu Mỹ, khiến giá trái phiếu giảm mạnh và lợi suất - tức lãi suất thực tế của người mua mới tăng cao.

Giải thích về cơ chế cốt lõi của thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho biết khi một người sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ và cần tiền sẽ phải bán ra, mà khi bán thì phải giảm giá. Giá giảm đồng nghĩa với lợi suất tăng. Cụ thể, chỉ cần lợi suất tăng từ 4% lên 4,5%, nghĩa là giá trái phiếu đã giảm khoảng 20%. Đây không phải là một biến động nhỏ, mà là sự sụt giảm sâu về mặt giá trị thị trường, cho thấy sự rút lui ồ ạt khỏi kênh đầu tư được xem là an toàn nhất thế giới.

Thực tế, tình trạng bán tháo trái phiếu từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử hiện đại, sau vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ, bong bóng dot-com, hay khủng hoảng tài chính năm 2008 và gần đây là giai đoạn dịch COVID-19. Nhưng lần này có một điểm đặc biệt đó là đồng USD cũng đang suy yếu, thay vì tăng giá như các chu kỳ khủng hoảng trước đó.

Chỉ số DXY (thước đo sức mạnh của đồng USD so với giỏ tiền tệ chính) hiện đã giảm xuống dưới mốc 100 điểm. Đây là hiện tượng bất thường khi diễn ra đồng thời với việc lợi suất trái phiếu tăng.

Ông Tuấn nhận định việc DXY giảm không đơn thuần là chỉ số kỹ thuật, mà là dấu hiệu đồng USD đang yếu đi rõ rệt so với các đồng tiền giao dịch toàn cầu chính. Sự suy yếu của USD có tác động rõ ràng tới tỷ giá các đồng tiền mạnh như Euro đã vượt mốc 1,1 USD và tiến gần tới 1,13 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng từ 1,27 USD lên 1,32 USD. Yên Nhật - thường bị coi là yếu cũng đang tăng giá so với USD.

Như vậy, sự dịch chuyển dòng tiền khỏi trái phiếu Mỹ và USD cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá lại các kênh trú ẩn và vàng là một trong số đó. Hiện tượng được ghi nhận rõ đó là giá vàng tăng mạnh, vượt mốc 3.300 USD/ounce, bất chấp không có nhiều thay đổi về yếu tố cung - cầu vật chất trong ngắn hạn.

“Nguyên nhân không đến từ việc vàng có giá trị nội tại tăng, mà chủ yếu do đồng USD giảm giá trị trên toàn cầu, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế. Thực tế này cũng phản ánh một hiện tượng phân kỳ bất thường: khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nghĩa là thị trường tài chính thắt chặt hơn, thì USD lẽ ra phải tăng giá theo. Tuy nhiên hiện tại, hai chỉ số này lại đi ngược nhau.

Trong lịch sử, những lần phân kỳ như vậy thường là dấu hiệu báo trước các cơn khủng hoảng như: Giai đoạn 2001–2003: Lợi suất tăng – USD tăng báo hiệu khủng hoảng tài chính; Giai đoạn 2008–2009: Lợi suất giảm, USD tăng dẫn đến nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn; Giai đoạn 2014–2016 và giai đoạn COVID-19: hiện tượng tương tự lặp lại; Đến giai đoạn 2023–2024: phân kỳ quay trở lại có thể là chỉ báo của bất ổn”, vị chuyên gia phân tích.

Điều này đặt ra câu hỏi thị trường Mỹ vốn là nơi trú ẩn truyền thống có còn giữ được vị thế đó nữa hay không và quan trọng hơn, Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không? Theo CEO AFA Capital, tạm thời, nền kinh tế Việt Nam chưa chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các cú sốc từ Mỹ sẽ nhanh chóng lan rộng. Tỷ giá, dòng vốn đầu tư, giá hàng hóa quốc tế và lãi suất toàn cầu đều có thể tạo ảnh hưởng.

Giá vàng trong nước có thể tăng từ 7 - 8% trong năm 2025, nếu mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế không thay đổi
Sự dịch chuyển dòng tiền khỏi trái phiếu Mỹ và USD cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá lại các kênh trú ẩn và vàng là một trong số đó.

Báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cũng xác nhận: các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vào vàng, thay vì bán ra như những giai đoạn trước. Có thể khẳng định USD đang suy yếu, các ngân hàng trung ương vẫn gom vàng và dòng tiền đang tìm đến những tài sản được xem là an toàn trong dài hạn. Vì vậy, xu hướng tăng giá của vàng vẫn có thể tiếp tục.

Theo báo cáo từ SP Angel, nhà đầu tư Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tích cực mua vàng. Một cuộc khảo sát từ Bank of America với các nhà quản lý quỹ cũng cho thấy vàng hiện đang là "giao dịch phổ biến nhất", nghĩa là có quá nhiều nhà giao dịch lạc quan đang tập trung vào thị trường vàng.

Có ý kiến đặt ra rằng Mỹ đang sử dụng vàng như một công cụ để điều hướng dòng tiền quốc tế, nhưng quan điểm phổ biến hơn vẫn là đầu tư phải gắn với quản trị rủi ro, thay vì theo đuổi các giả thiết khó kiểm chứng. Miễn là nhà đầu tư có cấu trúc tài sản vững, có chiến lược rõ ràng, có tài sản thanh khoản, thì không đáng lo ngại. vì chúng ta vẫn có cơ hội để tôi tái cơ cấu danh mục một cách bền vững.

“Nhìn chung sự kiện trái phiếu Mỹ và USD bị bán tháo không đơn thuần là hiện tượng kỹ thuật. Đằng sau đó là làn sóng dịch chuyển dòng tiền toàn cầu, phản ánh mối lo về sự bất định, về niềm tin sụt giảm vào chính sách tài chính, tiền tệ của Mỹ và về rủi ro của hệ thống tài chính hiện tại. Trong bức tranh này, vàng nổi lên như một phao cứu sinh, dù chưa chắc là giải pháp lâu dài.

Với nhà đầu tư Việt Nam, đây không chỉ là lúc quan sát, mà là thời điểm để chuẩn bị. Cấu trúc lại danh mục đầu tư, đánh giá lại tỷ trọng tài sản an toàn và luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra, đó là cách thiết thực nhất để ứng phó với sóng gió tài chính toàn cầu đang hình thành”, ông Nguyễn Minh Tuấn khuyến nghị.

Giá vàng trong nước ngày 17/4 ghi nhận mức tăng rất mạnh, quanh ngưỡng 8,2-9,2 triệu đồng/lượng, nhiều người dẫn vẫn xếp hàng mua vàng vì sợ bỏ lỡ cơ hội, trong khi đó khoảng cách mua - bán bị đẩy lên mức rất cao.

Việc biến động của giá vàng là rất khó lường, nếu giá vàng quay đầu giảm, người mua sẽ đối diện với mức lỗ lớn. Vì vậy nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người có tâm lý “lướt sóng”, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Diễm Ngọc