Ô tô - Xe máy

Đã đến lúc cần “luật chơi” rõ ràng cho thị trường xe thông minh

Thanh Trà 18/04/2025 12:31

Trung Quốc cấm dùng cụm từ “tự lái” trong quảng cáo ô tô, cho thấy nhu cầu cấp thiết về quản lý công nghệ lái thông minh ở nhiều quốc gia.

Cấm quảng cáo xe “tự lái”, “lái thông minh”

Trong bối cảnh ngành ô tô toàn cầu đang tăng tốc phát triển các dòng xe thông minh, Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới, mới đây đã công bố một loạt quy định nghiêm ngặt hơn đối với công nghệ hỗ trợ lái. Theo hãng tin Reuters, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô dừng việc sử dụng những cụm từ dễ gây hiểu nhầm như "tự lái" hay "lái xe thông minh" trong quảng cáo. Thông báo này được đưa ra trong cuộc họp với gần 60 hãng xe vào ngày 16/4 vừa qua, nhằm làm rõ các quy định liên quan đến phương tiện thông minh đã có hiệu lực từ tháng 2/2025.

hdd77eipdvnf7n36xtigbwifgm-17448767885581836475976 (1)
Tại Trung Quốc, các hãng ô tô sẽ bị cấm sử dụng những cụm từ như “lái thông minh” hay “tự lái” trong các nội dung quảng cáo. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, việc cập nhật phần mềm hệ thống hỗ trợ lái (ADAS) từ xa (OTA) trên các xe đã bán ra cũng sẽ bị giới hạn, nếu chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý. Các tính năng mới buộc phải được kiểm định và cấp phép trước khi triển khai đến người dùng cuối. Đây là phản ứng sau vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến chiếc sedan điện SU7 của Xiaomi – mẫu xe đang bán chạy của hãng. Xe đã đâm vào cột bê tông với vận tốc gần 100 km/h sau khi tài xế chuyển từ chế độ hỗ trợ sang điều khiển tay, gây ra cháy nổ nghiêm trọng. Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại về tính an toàn và mức độ kiểm soát của các hệ thống thông minh hiện nay.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng các quy định mới cũng phản ánh áp lực điều tiết đang tăng nhanh tại Trung Quốc, nơi các hãng xe như BYD, Leapmotor hay cả Toyota đang đua nhau tung ra hàng loạt mẫu xe tích hợp công nghệ lái thông minh, đôi khi với mức giá chỉ dưới 10.000 USD.

Thị trường phát triển quá nhanh, trong khi hành lang pháp lý chưa theo kịp, khiến nhiều rủi ro bị đẩy về phía người dùng cuối. Việc thắt chặt giám sát được xem là cần thiết, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng chi phí, cản trở đổi mới hoặc tạo rào cản cho các công ty khởi nghiệp trong ngành.

Cần siết chặt hơn các quy định

Không chỉ tại Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến độ an toàn của xe thông minh cũng đang đặt ra thách thức với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Khi người dùng quá tin tưởng vào hệ thống hỗ trợ lái, những hành vi nguy hiểm như ngủ gật, buông tay lái hay thậm chí rời vị trí ghế lái trong lúc xe đang chạy đã không còn là chuyện hiếm gặp. Đoạn video lan truyền gần đây ghi lại cảnh cả bốn người bao gồm tài xế ngủ gật khi xe vẫn chạy bon bon trên cao tốc bằng chế độ hỗ trợ, là một ví dụ cho thấy công nghệ đang bị hiểu sai và sử dụng sai cách.

Trở lại với vụ tai nạn của Xiaomi SU7, điều đáng lo không chỉ là lỗi kỹ thuật hay tốc độ xe, mà còn là việc người điều khiển có thể đã đánh giá sai về mức độ “thông minh” của hệ thống hỗ trợ. Đây là vấn đề mà không chỉ người tiêu dùng, mà cả nhà sản xuất và nhà quản lý cần nhìn nhận nghiêm túc.

7B199234-C093-44DA-9 (1)
Sự phát triển nhanh của công nghệ ô tô thông minh đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản lý, kiểm định và truyền thông đúng đắn tại nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, làn sóng nhập khẩu và sử dụng xe điện, xe có hỗ trợ lái đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Việc quản lý quảng cáo sản phẩm, kiểm soát các bản cập nhật phần mềm từ xa, hay đánh giá mức độ an toàn thực tế của các tính năng hỗ trợ lái vẫn còn là khoảng trống. Không thể để các thuật ngữ tiếp thị như “lái xe thông minh” hay “tự lái” tạo ra cảm giác an toàn ảo cho người dùng.

Công nghệ luôn mang lại những bước tiến vượt bậc, nhưng nếu không đi kèm với kiểm soát phù hợp, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trường hợp tại Trung Quốc cho thấy tốc độ phát triển quá nhanh có thể tạo ra khoảng trống trong quản lý và nhận thức của người dùng. Đây là lời nhắc nhở cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác về tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, kiểm định nghiêm ngặt và truyền thông đúng đắn. Chỉ khi công nghệ được đặt trong khuôn khổ an toàn, nó mới thực sự trở thành công cụ phục vụ con người một cách bền vững.

Thanh Trà