Ngành Thuế quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, hỗ trợ doanh nghiệp
Ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp, không chỉ bảo đảm nguồn thu ngân sách mà còn thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp.
Gần 99.000 người đã được hoàn thuế TNCN tự động
Theo báo cáo của Cục Thuế (Bộ Tài chính), ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, nhằm ứng phó với những khó khăn trong và ngoài nước. Mặc dù kinh tế thế giới vẫn nhiều biến động, nhưng tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 3 tháng đầu năm 2025 đạt 668.313 tỷ đồng (bằng 38,9% dự toán bằng 136,3% so với cùng kỳ).
Có 40/63 địa phương có số thu đạt khá trên 30% dự toán; 8/63 địa phương đạt dưới 26% dự toán. Có 56/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2024, 7/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm 2024: Bắc Kạn, Quảng Ngãi, An Giang, Trà Vinh, Hà Giang, Long An, Thanh Hóa.
Về công tác đăng ký thuế, thống kê đến 31/3/2025, toàn quốc có 958.162 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 0,84% so với cuối năm 2024. Thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, NNT thông qua 479 kênh hỗ trợ đa phương tiện, kịp thời giải đáp 456 lượt câu hỏi, phản ánh, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã ban hành 3.911 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền hoàn thuế đã hoàn là 31.128 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Từ khi triển khai ứng dụng hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động (ngày 4/4/2025), tính đến thời điểm ngày 16/4/2025 đã có 98.721 hồ sơ được hệ thống xác định hoàn với số tiền 489,28 tỷ đồng.
Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế: trong 3 tháng đầu năm 2025, cơ quan thuế đã thực hiện 10.382 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,5% kế hoạch, bằng 151,6% cùng kỳ. Số tiền kiến nghị xử lý là 16.930 tỷ đồng, bằng 281,3% cùng kỳ, trong đó số tăng thu là 4.366 tỷ đồng; giảm khấu trừ 650 tỷ đồng; giảm lỗ 11.914 tỷ đồng, số đã nộp NSNN là 2.162 tỷ đồng.
Hệ thống hóa đơn điện tử tiếp tục vận hành ổn định, đã tiếp nhận và xử lý hơn 13 tỷ hóa đơn (trong đó hơn 3 tỷ hóa đơn có mã; 8,3 tỷ không mã; 1,94 tỷ từ máy tính tiền). Đặc biệt, đến hết 31/3/2025, 100% cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc (16.165 cửa hàng) đã kết nối tự động phát hành hóa đơn điện tử theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ứng dụng eTax Mobile đạt trên 3,8 triệu lượt tải và cài đặt, với hơn 6,2 triệu giao dịch, tổng số tiền đã nộp đạt trên 12.400 tỷ đồng.
Tăng tốc cải cách
Theo Lãnh đạo Cục Thuế, bước sang quý II/2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung các nhóm nhiệm vụ chiến lược, trong đó đặc biệt chú trọng đến dự báo kinh tế, hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa hệ thống và tăng cường phối hợp chính sách.
Ngành chủ động phân tích ảnh hưởng từ chính sách quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế của Hoa Kỳ để kịp thời đề xuất giải pháp điều hành thu NSNN phù hợp thực tiễn.
Ngành thuế sẽ phân loại người nộp thuế theo rủi ro, triển khai các chương trình thu theo ngành, địa bàn, đặc biệt hỗ trợ nhóm NNT nhỏ lẻ. Đồng thời, phát hiện, ngăn ngừa thất thu từ các lĩnh vực nhạy cảm như thương mại điện tử, BOT, bất động sản và chuyển giá.
Ngành thuế coi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là một nhiệm vụ quan trọng, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục thuế, góp phần giảm chi phí tuân thủ và nâng cao hiệu quả phục vụ. Việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, như hoàn thuế hay cưỡng chế nợ, đang được mở rộng toàn ngành.
Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thuế, năm 2025, Cơ quan Thuế chủ trì xây dựng 14 đề án gồm 1 Luật, 9 Nghị định và 4 Thông tư. Trong đó, nhiều văn bản đã được ban hành như: Nghị định 20, 49, 70, 81, 82… Các văn bản còn lại đang trong quá trình lấy ý kiến, đặc biệt là Nghị định thuế tối thiểu toàn cầu và thuế thương mại điện tử (TMĐT).
Ngành thuế sẽ tích cực chuyển đổi số và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ. Cụ thể, các công việc nhằm thực hiện chủ trương trong Đề án 06, Nghị quyết 57… đang được triển khai mạnh mẽ, trong đó nổi bật là hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), phân tích dữ liệu để cảnh báo rủi ro, hỗ trợ kiểm tra nhanh và nâng cao hiệu quả thanh tra.
Về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và TMĐT, Cục Thuế cho biết, hộ kinh doanh hiện đóng góp gần 30% GDP, tạo việc làm cho khoảng 10 triệu lao động, chiếm khoảng 20% lực lượng lao động cả nước. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào NSNN; Số thu NSNN 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, đã có 148 nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế qua Cổng điện tử, với số thu quý I đạt 2.832 tỷ đồng, hơn 66.000 cá nhân kinh doanh TMĐT đã kê khai đầy đủ.
Ngành thuế sẽ triển khai các chuyên đề chống thất thu, như quản lý thuế với TNCN có thu nhập cao, nông sản nhập khẩu, vận tải BOT, bất động sản, hộ kinh doanh… Các chương trình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị.